Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 03 - Phần 2
Nắng sưởi ấm không khí hãy còn lành lạnh, khiến đôi gò má thêm hồng, làm sắc trời thêm trong trẻo. Mây trắng tựa như nét bút ai vẩy vài nét mỏng nhẹ mờ ảo trên nền xanh ấy rồi cuộn mình theo gió bay đi. Một vùng xanh mướt mỡ màng, mênh mông, ao hồ nối tiếp nhau, lẫn vào khoảng không ấy là những mái ngói đỏ thấp thoáng sau những tán cây sum suê cành lá. Mùa hoa đã qua nên chẳng thể thấy một vùng ngập sắc hoa mơ, chỉ còn điểm vào nền cây cỏ mơn mởn là vài vệt trắng tinh khôi của những đóa hoa nở muộn.
Là Cổ Mai Đàm…
- U ơi! – Hải Triều bỏ ý định chạy ra đồng cỏ xem mục đồng thả diều thổi sáo, quay về bên Phùng, hồ hởi – “Mai” trong “Cổ Mai Đàm” có phải giống chữ “Mai” trong tên u không?
- U đã nói với con thế nào rồi? Đã bảo không được hỏi mấy chuyện đó cơ mà! – Người đàn bà nghiêm giọng nhưng trong đáy mắt đen thoáng xôn xao hệt như gió lùa qua những chùm hoa trắng.
Hải Triều thè lưỡi, xoa xoa cái trán vừa nãy bị mẹ vỗ nhẹ cảnh cáo:
- Con cũng thích có cái tên đẹp như thế. Hoa đẹp, u cũng đẹp.
- Đừng dẻo mỏ nữa! U cứ tưởng con hiền lành ít lời lắm cơ đấy. Tên của con… cũng rất hay. Lớn rồi con sẽ biết. Thôi đi nhanh đi, không đám trẻ con về hết thì chẳng còn gì mà xem đâu.
Mấy cô gái vác chiếu lên vai rồi leo ngược lên con dốc, để lại sau lưng những vệt nước tròn nối tiếp nhau. Họ không khỏi ngạc nhiên khi thấy một người phụ nữ lạ mặt, bên cạnh chỉ có tay nải cùng chiếc nón quai thao đã cũ ngồi trên triền đê, ánh mắt nhìn tựa như đang đợi một điều gì. Tiếng cười lanh lảnh lắng xuống khi họ đưa mắt nhìn nhau, thì thầm to nhỏ rồi mới rời đi. Cũng quá lâu rồi, ở đây chắc chẳng còn ai nhớ từng có một người phụ nữ họ Phùng sinh sống. Người đàn bà ngoảnh lại, trong tiếng gió vi vút mang theo mùi cỏ nồng nồng, bức tranh trong hồi ức với mênh mang trước mắt chẳng hề đổi khác. Cảnh cũ còn đây, người xưa đã mất, kẻ còn cũng đã già, đã chẳng còn là cô gái ngày trước chân ướt chân ráo đến Cổ Mai Đàm. Bản thân Phùng cũng không còn nhớ chính xác người con gái hai mươi ngày ấy với những mơ mộng mà giờ nghĩ lại mới thấy thật hão huyền đã biến mất vào lúc nào. Đời người nếu như có thể quên hết mọi đau khổ, chỉ nhớ những niềm vui thì thật tốt.
…
Một chiều ven sông nào đấy, khi khói đốt rơm khô ngoài ruộng bay tản mát vào làng, lẫn trong ráng chiều đỏ ối. Bước chân người đàn ông chậm lại. Người quay đầu, trong đôi mắt thâm trầm ánh lên chút bối rối:
“Ta thực sự không có gì để cho nàng. Theo ta, nàng nhất định sẽ khổ. Tất cả tài sản của ta chỉ có từng ấy mà thôi!”
Cô gái nghiêng người, xốc lại tay nải cùng chiếc nón quai thao trên vai nhìn ngôi nhà vách đất sát mép sông, lợp mái rơm ẩn hiện sau mấy tàu lá chuối khô héo. Nàng chớp mắt, đùa đùa:
“Một túp lều con?”
“Một túp lều con.” – Người đàn ông đáp lại bằng một giọng bình ổn, không bi quan, không sợ hãi, dường như trong lời nói, trong ánh nhìn lại hiện lên sự tin tưởng kiên định không gì lay chuyển.
“Chàng nhìn xem, thiếp cũng đâu có gì ngoài một cây đàn bầu!” – Nàng mỉm cười đáp lại, trong đôi mắt lấp lánh niềm vui bình dị, trong trẻo và mãn nguyện của con chim nhỏ tìm được chỗ dừng chân sau muôn trùng lưu lạc.
Phùng chưa từng nghĩ sẽ hối hận vì đi theo Nguyễn Trãi, càng không hối hận vì chẳng được ăn sung mặc sướng, thành bà nọ bà kia như người ta. Nhưng sự hối hận đến mức khiến người đàn bà muốn quay đầu bỏ chạy, từ bỏ một bến đỗ cả đời mơ tưởng lại đến quá nhanh, vào đúng lúc chân bước qua bậu cửa ấy. Nguyễn Trãi có nói với Phùng rằng mình đã có chính thất, chỉ có thể cho nàng một thân phận làm lẽ. Nàng không bận tâm chuyện ấy, vốn tâm niệm chỉ cần một người có thể khiến mình toàn tâm toàn ý nâng khăn sửa túi đã là mãn nguyện. Thế nhưng ba gian nhà trống trải chẳng có thứ gì đáng giá nhưng sạch sẽ, gọn gàng, không chút hiu quạnh, miếng vải đang dệt dở trên khung cửi, mấy bó tơ vàng óng phơi ngoài hiên, ánh lửa trong bếp… làm Phùng bối rối và tự thấy bản thân thực sự là khách không mời. Nàng thường mơ một cuộc sống vợ chồng đạm bạc với việc canh cửi tằm tang, quanh năm cấy cày trên mấy mảnh ruộng nhỏ rồi đào ao thả cá. Cuộc sống nàng vẽ ra ấy không có chỗ cho bất kì ai có thể chen vào, là thứ nàng đã quen nhìn từ khi chỉ là một đứa trẻ, cũng tựa như những gì thầy u nàng đã từng trải qua. Giờ chen chân vào cuộc sống của một người khác theo cách bản thân không hề mong đợi sẽ xảy ra với mình, chỉ nghĩ đến thôi đã làm Phùng day dứt.
- U, u nghĩ gì vậy? – Hải Triều đi từ đằng sau lại, nhón chân bước thật khẽ rồi vòng tay ôm cổ mẹ, cọ má mình lên gương mặt Phùng, thỏ thẻ.
- Chơi vui không con? – Đôi môi người phụ nữ nhoẻn cười khi bà lấy tay áo lau đi những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán con bé.
Trời ngả về chiều từ lúc nào. Mặt sông chở lật cả một khoảng tà dương rơi vào đáy nước, rực lên màu vàng cam trong veo. Ngày xuân, khi tắt nắng, lúc hoàng hôn, màu lam xám lành lạnh dâng lên, len lỏi vào làng, trùm lên cây cối những nét u tịch. Hải Triều định kể chuyện gì đó với mẹ nhưng nhác trông thấy gương mặt bà thẫn thờ lại thôi. Từng tốp từng tốp người vác cuốc, vác bừa từ ngoài đồng ra về. Tiếng cười tiếng nói vang cả con đường đất vắng vẻ. Ánh mắt Phùng nhìn vào nếp nhà trên gò đất nhỏ, mường tượng lại những lúc xưa khi đám trẻ con tóc trái đào ngồi ngay ngắn, khoanh tay nghe Nguyễn Trãi giảng bài. Vang lên đâu đây giữa tiếng gà, tiếng bước chân nặng nề của những con trâu thả bộ trên đường làng là âm thanh nghêu ngao của ngày cũ, khi đám trẻ lắc lư cái đầu đọc bài khóa: “Hỗn mang chi sơ. Vị phân thiên địa…”. Người đàn bà vẫn thường đứng đây nhìn phu quân căn dặn đám học trò trước khi tan lớp, nhìn đám trẻ con líu ríu xách bút nghiên về hết rồi mới quẩy gánh hàng lên vai, nhanh nhanh chóng chóng về nhà, nhóm lửa nấu cơm sau buổi chợ chiều.
Con đường mấy chị em vẫn hay đi về với đôi quang gánh kẽo kẹt khi nắng, khi mưa, khi gánh hàng bán hết, khi ế chỏng chơ vào ngày không thuận. Những chuyện mắm, muối, tương, cà rồi chuyện thời thế hết người này nói lại đến người kia thêm vào. Quen thuộc quá, quen thuộc đến mức khiến đôi tay Phùng run lên.
- Đi thôi con, muộn rồi! – Người phụ nữ cất giọng nghèn nghẹn, khoác lại tay nải, bước vội như lôi Hải Triều theo. Bà nơm nớp lo lắng nhưng đôi chân vẫn guồng gấp gáp như sợ không về nhà kịp giờ cơm tối.
Mẹ con họ không vào làng mà tiến thẳng đến ngôi nhà xập xệ gần mép sông, nơi có những bụi chuối mọc cao quá đầu người héo rũ, cỏ mọc ngập lối đi. Tiếng mái chèo khua nước không thắng nổi cái tịch mịch của chiều tàn.
***
Màu lam đen càng làm đôi mắt người phụ nữ thêm tối thẫm. Những ngón tay run run chạm lên hàng rào sơ sài rồi đẩy khẽ cánh cổng làm bằng mấy thanh tre buộc lại. Trời chưa tối hẳn nhưng trong nhà đã là màn đêm, chỉ thấy hắt ra một ánh nến yếu ớt, mờ đục. Hải Triều bất giác rùng mình, đứng nép sau lưng mẹ, hai tay níu lấy cái váy lĩnh bạc màu của Phùng.
- Có ai ở nhà không? – Người phụ nữ cất tiếng hỏi cho phải phép nhưng kì thực không mong có lời đáp lại.
- Cô hỏi ai? – Từ trong nhà, một ông cụ mặc áo nâu sồng, râu tóc đã bạc, lưng đã còng chống gậy bước ra – Tối tăm thế này mẹ con dắt díu nhau đi đâu?
- Lạy cụ! – Phùng cúi đầu, thưa – Mẹ con cháu lỡ đường về quê, đêm hôm rồi nên xin cụ một chỗ nghỉ chân ạ.
- Chết chửa. Đàn bà con gái sao lại đi đêm đi hôm như thế? – Ông cụ chẹp miệng ái ngại, run run bước xuống thềm – Thôi, cô theo tôi vào làng, nhà tôi ở trong đó, tôi sẽ bẩu bà lão nhà tôi dọn một buồng cho mẹ con ngả lưng.
- Vậy căn nhà này là… – Người phụ nữ làm bộ ngập ngừng hệt như khách lạ lỡ bước ghé vào.
Ông cụ thở dài, ngoái lại:
- Đây là nhà cũ của một vị đại nhân. Thôi, chỗ này không ở lâu được, chúng ta đi kẻo tối.
Bay bay trong khoảng tranh tối tranh sáng là làn khỏi mỏng tỏa ra từ ba nén hương trên bàn thờ. Bờ vai Phùng run lên, bà cúi xuống:
- Là nhà của Hành khiển Nguyễn Trãi?
- Cô? – Ông cụ giật mình, thất kinh nhìn lên rồi kéo người phụ nữ lạ mặt vào hẳn trong nhà. Cụ nghiêng đầu qua trái, qua phải như sợ có ai bám theo, khép cửa lại rồi mới hạ giọng – Cô có biết nói ra thế sẽ là họa diệt thân không? Hoàng thái hậu đến giờ vẫn cho người truy lùng những người dính dáng đến gia đình đại nhân Nguyễn Trãi. Chẳng hay cô là…
Phùng ngồi xuống chiếc chõng tre gãy trong gian buồng trống hoác, đưa mắt nhìn ba đốm sáng nhỏ trên đầu mấy nén hương, bình tĩnh đáp:
- Chẳng giấu gì cụ, cháu là người ăn kẻ ở trong nhà đại nhân. Sau cái đận Lệ Chi Viên đó giờ mới có dịp đến thắp cho ông bà chủ nén hương… Chẳng hay thế cụ là?
Người đàn ông nhìn gương mặt người phụ nữ một hồi rồi trông sang đứa bé con, cân nhắc mãi rồi mới cười khà khà:
- Tôi chỉ là người trong làng, cô chớ bận lòng. Dân Khuyến Lương cũng kể như là biết cụ Trãi lâu năm, chẳng ai tin cụ cùng bà Lộ lại dính vào cái việc mưu sát tày trời ấy. Nhưng dân đen chúng ta thấp cổ bé họng, làm được gì? Thôi thì coi như nghĩa tử là nghĩa tận, gian nhà này với chỗ ngày xưa cụ dạy học, chúng tôi cắt cử nhau ra giữ gìn, quét tước. Mùng một, ngày rằm rồi ngày giỗ có chút hương hoa gọi là…
Cụ nói đến đấy rồi thôi. Hai người lớn trầm ngâm mãi, mỗi người lại theo đuổi những ý nghĩ khác nhau mà Hải Triều không hiểu nổi. Vần vò vạt áo mãi, cuối cùng Phùng cũng ngẩng lên, e dè hỏi:
- Cụ cho cháu hỏi, từ sau lần ấy có ai nghe ngóng được tin tức gì của gia đình ông bà chủ cháu không?
- Tan hoang hết cả chứ cô nghĩ còn gì? Sách vở đại nhân chấp bút viết bị đốt sạch. Trong mấy vị phu nhân nghe đâu có bà tư, bà năm không bị bắt. Họ hàng cũng có người chạy thoát được nhưng cụ thể thế nào thì không ai biết, cũng chẳng ai dám dò hỏi, nhỡ ra… – Cụ vỗ đùi, thở hắt ra. – Tôi nghe nói hôm xử trảm cụ Trãi và bà Lộ cùng gia quyến ở phố Tràng Thi, dân chúng kéo đến đông lắm. Người lớn, trẻ con… chỉ một đao mà…
Nhìn gương mặt trắng bệch kinh hoàng của Phùng, ông cụ nhỏ giọng dần rồi không nói thêm gì nữa. Hải Triều quỳ xuống, dùng cả hai bàn tay mình bao lấy bàn tay lạnh ngắt của mẹ, lo lắng nhìn lên. Đôi mắt người đàn bà mở lớn, trống hoác như mấy ô cửa sổ không khép của căn nhà trống.
- Thôi, tôi dẫn mẹ con cô vào nhà tôi nghỉ ngơi lấy sức, cũng còn phải để cháu bé ăn uống nữa chứ? – Ông cụ cười, đứng dậy mở cửa.
- Tạ ơn cụ ạ. Nhưng chắc để khi khác. – Phùng cười nhẹ. – Cháu muốn ở lại thắp cho ông bà chủ nén hương rồi cũng đi ngay, không dám phiền lụy đến gia đình cụ.
Người phụ nữ tiễn ông cụ ra đến ngoài cổng, nhìn dáng người ấy khuất sau lũy tre rồi mới trở vào nhà. Lặng yên hết cả, mọi thứ vẫn vậy từ chỗ mấy cái chóng tre, guồng quay sợi, nhà bếp đến cái giếng mấy đứa trẻ vẫn thường nô đùa xung quanh. Bóng lá in xuống nền đất xơ xác, rối rắm. Âm thanh xào xạc vang vọng tứ bề, thổi thẳng vào lòng người từng cơn buốt giá. Phùng cứ đứng đó, im lìm như một bức tượng làm con bé cũng không dám lên tiếng. Rồi đột nhiên bà tiền lại phía bàn thờ, nâng cao đĩa dầu đèn lên nhìn cho rõ. Chỉ có một bát hương, một đĩa quýt ban nãy ông cụ đặt vào, không bài vị, chẳng lư đồng. Đưa tay phủi sạch lớp bụi mờ bám trên mặt gỗ, người phụ nữ run run thắp ba nén hương rồi đứng lặng đó. Sợi khói vấn vít bay tản mát trông không gian.
- Đại nhân, đích phu nhân[7], tam phu nhân, Mai Loan… cuối cũng đã về rồi.
[7] Vợ cả.
Hai bàn tay bấu chặt lấy mép bàn thờ, Phùng gục đầu xuống. Từng giọt, từng giọt nước mắt rơi tí tách xuống nền đất. Người không thổn thức, cũng không khóc thành tiếng nhưng nước mắt lại cứ chảy ra, mặn chát, là nước mắt của cả đời người?
- U… u đừng khóc! – Hải Triều lắc lắc bàn tay nắm chặt gấu áo mẹ, van xin. Trong đôi mắt con bé cũng đã loang loáng nước, đỏ hoe.
- Con lại đây. – Người phụ nữ hít vào một hơi để kiềm nén nước ngấp nghé bờ mi, ôm con bé vào lòng rồi chắp hai bàn tay nó lại. – Con lạy đi, lạy thầy con, lạy hai mẹ của con đi. Đích phu nhân rất thương con, sau này… sau này… nhất định phải hương khói thật tốt cho bà, nhớ chưa?
Hải Triều nhìn gương mặt mẹ, luống cuống gật đầu. Nó ngước mắt nhìn bàn thờ cao cao, nhíu mày một cái rồi bắt chước những gì người ta hay làm lúc cúng lễ. Nó chẳng nghĩ gì, cũng không biết phải nghĩ gì, chỉ thành tâm lẩm bẩm trong miệng: “Con là Nguyễn Thị Huyên xin lạy tạ!”.
Áp mặt vào ngực mẹ, lắng nghe tiếng trái tim của bà, thấy mùi hương hoa nhài trên áo, mùi bồ kết trên mái tóc êm êm bao bọc lấy mình, Hải Triều thấy mí mắt trĩu xuống. Nó ngoạc miệng ra ngáp và chỉ cố khép miệng lại khi bị mẹ lườm. Đưa bàn tay nhỏ nhắn lên xoa xoa vệt nước mắt trên gương mặt Phùng, con bé lí nhí:
- Sau này, u đừng khóc nữa nhé. Con sẽ ngoan, sẽ không làm u buồn.
- Ngủ đi con. – Phùng vỗ nhẹ vào lưng con bé, tựa người vào cây cột chống mái nhà đã mọt, ngâm nga:
Góc thành Nam, lều một gian
No nước uống, thiếu cơm ăn
Con đòi trốn, dường ai quyến
Bà ngựa gầy, thiếu kẻ chăn
Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá
Nhà quen xuế xóa ngại nuôi vằn
Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải
…
Góc thành Nam… lều một gian[8].
[8] Bài thơ: Thủ vĩ ngâm – Nguyễn Trãi. Có thay đổi một chút về trình bày để phù hợp với tâm trạng lúc ngâm thơ của nhân vật.
Tiếng thơ ngâm, nhịp vỗ đều đều của mẹ theo con bé vào giấc ngủ, đọng lại nơi đáy mắt là bầu trời xanh lam lấp lánh những vì sao nhìn qua mái nhà thủng lỗ chỗ. Cũng tại gian nhà này, một người đàn ông, mấy bà vợ cùng những đứa trẻ đã sống qua ngày, khi ngâm thơ, lúc hát xướng, lúc cười, khi khóc nhưng từng khắc trôi qua dù có cố quên cũng không sao xóa mờ. Cánh cửa tre đung đưa, tấm liếp bị gió giật đập vào bức vách. Phùng kéo lại chiếc áo ngoài cho Hải Triều, đưa mắt nhìn guồng quay sợi nặng nề nhích một chút trên trục gỗ.
Vẫn còn một sợi tơ vương phơ phất…
…