Cậu Là Niềm Vui Đến Muộn - Chương 63
Hứa Hoài Tụng và Nguyễn Dụ ở vài ngày trong bệnh viện,
Từ hai tháng trước, ba Hứa đã bắt đầu trị liệu để thay đổi môi trường sống, bởi vì thời gian trước Hứa Hoài Tụng đã chuẩn bị đầy đủ, vì thế sức khoẻ của ông ấy còn tốt hơn dự tính. Ngoại trừ việc ít nói chuyện, rất ít khi ông tỏ ra chán ghét với người chăm sóc mới, sau ba ngày đầu không phối hợp, thì cũng dần dần quen với sự chăm sóc của cô ấy.
Thỉnh thoảng có lúc ông không nghe lời, Hứa Hoài Tụng chỉ hơi dỗ một lát là ổn.
Nhưng hai người cũng không dám sơ ý, vừa hay Hứa Hoài Tụng vẫn còn bị chênh lệch thời gian, anh và Nguyễn Dụ thay nhau ngủ, thay nhau trực ở phòng bệnh.
Ngày Đào Dung đến Hàng Châu cũng chính là hôm diễn ra phiên toà xét xử vụ án giết người của Nguỵ Tiến, Hứa Hoài Tụng tới dự phiên toà trước, sau khi kết thúc tiện đường đi đón bà.
Trong bệnh viện Hàng Châu chỉ còn lại Nguyễn Dụ và cô trợ tá Ngô.
Lúc đầu Nguyễn Dụ còn khá căng thẳng, chỉ cần thấy ba Hứa có những hành động như nhíu mày hay xoa bụng, cô đều đi hỏi thăm bác sĩ. Mãi đến sau khi ăn cơm trưa xong, thấy tình trạng của ông khá tốt, mà Hứa Hoài Tụng cũng sắp về rồi, cô mới bắt đầu an tâm hơn.
Hứa Ân ăn cơm xong nhưng không đi ngủ ngay. Cô Ngô mở tivi trong phòng bệnh, bật kênh hoạt hình cho trẻ em.
Tuy rằng giờ ba Hứa xem không hiểu gì, nhưng thấy những hình ảnh sặc sỡ trong tivi vẫn cứ cười một cách vui vẻ.
Nguyễn Dụ lấy cốc thuỷ tinh rót cho ông một ly nước ấm, sau đó ngồi lên giường bệnh hỏi: “Bác Hứa, bác có muốn ăn táo không? Con gọt cho bác nhé.”
Hứa Ân nhìn cô, có vẻ như không hiểu cô đang nói gì, nhưng vì tâm trạng tốt nên vẫn cười gật đầu.
Nguyễn Dụ chọn vài quả táo trong giỏ định mang đến phòng rửa tay rửa.
Cô Ngô vội đứng lên: “Để cô đi cho.”
Cô xua tay: “Không sao, cháu cũng đang rảnh.” Cô quay lại thấy tiết mục hoạt hình đã hết, tivi đang chiếu quảng cáo, mới dặn cô Ngô, “cô đổi sang kênh khác đi.”
“Ừ.”
Nguyễn Dụ bưng đĩa hoa quả ra ngoài, sau khi đã rửa sạch sẽ, cô nhận được một tin nhắn.
Hoài Tụng: “Anh đang ở dưới bãi đỗ xe rồi, chiều nay chắc không có chuyện gì chứ?”
Cô bê đĩa hoa quả về phòng, vừa đi vừa gõ chữ trả lời, còn chưa kịp gửi đi, lại đột nhiên nghe thấy một tiếng “choang”, hình như là tiếng vỡ của ly thuỷ tinh.
Sau đó là tiếng cô Ngô kêu lên.
Nguyễn Dụ ngẩn ra, vội vàng chạy lại mở cửa. Hứa Ân lúc nãy vẫn còn bình thường, mà không hiểu sao giờ lại rất cáu kỉnh. Ông không nói lời nào, đập ly nước xong còn thấy chưa đủ, đang không ngừng ném gối đầu, ga giường, lọ thuốc, thậm chí còn đi chân không xuống giường.
Cả căn phòng toàn những tiếng loảng xoảng.
Cô Ngô không khuyên được ông, quay sang ấn chuông gọi người.
Nguyễn Dụ hoảng hốt, thấy ông suýt giẫm vào những mảnh thuỷ tinh trên mặt đất, vội vã kéo ông lại: “Bác cẩn thận thuỷ tinh!” Rồi cô lại quay sang hỏi cô Ngô, “bác ấy làm sao vậy?”
“Không biết, tôi, tôi chỉ đổi một kênh khác, tự nhiên ông ấy...”
Nguyễn Dụ quay sang nhìn màn hình, thấy đó là hình ảnh của toà án nhân dân, có vẻ như đang đưa tin về vụ án của Nguỵ Tiến, cô hiểu ra, kéo cánh tay Hứa Ân lại giường, nói: “Bác đừng sợ, vụ án đã...”
Cô mới nói được một nửa, nhưng ngay khi nghe được hai chữ “vụ án”, ông đột nhiên hất tay cô ra.
Nguyễn Dụ lảo đảo rồi ngã xuống, bàn tay chống lên mặt đất, bị một mảnh thuỷ tinh đâm vào.
Cô không kịp để ý đến cơn đau, thấy Hứa Ân vẫn đang nghiêng ngả đập phá, cô vọt lại đỡ ông.
Lúc này bác sĩ trực ban chạy đến, kéo Hứa Ân lên giường giữ lấy ông, nói với cô y tá vẫn còn ở ngoài cửa: “Tiêm thuốc an thần!”
Nguyễn Dụ thở ra một hơi, đứng thở dốc ở bên cạnh.
Y tá bước vào tiêm thuốc an thần cho Hứa Ân, sau đó tiến hành vỗ về để ông ấy bình tĩnh lại. Thấy tay của Nguyễn Dụ, cô ấy kinh ngạc nói: “Cô à, tay cô...”
Vừa nói đến đây, Hứa Hoài Tụng và Đào Dung chạy vội đến. Có lẽ do anh đi nửa đường thì gặp bác sĩ y tá chạy về hướng này.
Những thứ đồ ngổn ngang trong phòng làm Đào Dung đứng ngẩn ra ở cửa.
Hứa Hoài Tụng nhìn thấy máu chảy ra từ lòng bàn tay Nguyễn Dụ, anh chạy tới gần, chẳng kịp hỏi “ba sao vậy”, nắm lấy bàn tay còn lại của cô đi ra ngoài: “Y tá, làm phiền cô xử lý vết thương cho cô ấy một chút.”
Nguyễn Dụ còn chưa tỉnh lại từ việc vừa rồi, anh kéo cô chạy một lát mới giật mình nói: “Anh đi xem bác thế nào, em không sao...”
Hứa Hoài Tụng không nói lời nào, đưa cô đến phòng điều trị. Anh cầm tay cô lên xem, gân xanh trên trán như nhảy lên.
Y tá cũng vào phòng, cô ấy bật đèn, kéo rèm ra, đeo găng tay sau đó tiêu độc cho dụng cụ trị liệu, nói với Nguyễn Dụ: “Cô ngồi lên giường đi, hơi đau đấy, gắng chịu một lát, nào, đưa tay cho tôi.”
Cô ngồi lên giường, lúc này mới cảm thấy đau nhức, lúc đưa tay ra còn cắn răng, nhắm mắt lại.
Hứa Hoài Tụng đứng bên cạnh, một tay anh ôm lấy cô, một tay che mắt cô lại.
Y tá dùng nhíp gắp mảnh thuỷ tinh ra, cô đau đến mức hít vài hơi, lông mi không ngừng run run, quét vào lòng bàn tay của Hứa Hoài Tụng.
Anh ôm cô chặt hơn, vỗ nhẹ lưng cô: “Gần xong rồi, sắp lấy ra được rồi.” Năm phút sau, anh nhìn y tá đặt nhíp xuống, hỏi thăm cẩn thận, “đã lấy hết ra chưa? Làm phiền cô kiểm tra lại lần nữa giúp tôi.”
Y tá xác nhận lại một lần, nói: “Yên tâm, lấy hết ra rồi, tiếp theo phải tiêu độc, nhịn một chút.”
Nguyễn Dụ gật đầu, áp má vào ngực Hứa Hoài Tụng, lúc thuốc nước tưới vào, cả người cô run lên, nước mắt cũng chảy ra.
Hứa Hoài Tụng cũng run lên theo cô, đưa tay đến bên miệng cô: “Đau thì cắn anh này.”
Nguyễn Dụ lắc đầu, nhịn đau nói: “Vậy anh lại phải đi tiêm phòng dịch mất.”
Biết cô đang di dời lực chú ý, anh tiếp lời cô: “Y tá, bị thỏ cắn có cần tiêm phòng không?’
Y tá cười, cũng giúp anh dỗ Nguyễn Dụ: “Thỏ là động vật có răng cửa dài, thường không cần tiêm phòng dại. Nhưng mà tôi phải ăn gato nhiều thế này, phải đi uống thuốc tiêu hoá rồi.”
Hứa Hoài Tụng cười nói: “Tiền thuốc men cứ để tôi.”
Lời nói của hai người làm Nguyễn Dụ bật cười, lúc nhớ đến đau đớn thì tay cô đã được băng bó xong rồi.
Y tá thu dọn dụng cụ, dặn dò hai người thời gian thay thuốc, phải kiêng ăn những thứ gì, sau đó đẩy xe đi.
Hứa Hoài Tụng ngồi lên giường, cầm tay cô lên, cẩn thận không đụng vào vết thương, ngước mắt nhìn cô: “Xin lỗi.”
“Em mới là người phải xin lỗi mới đúng, em không chăm sóc tốt cho bác... Lúc nãy bác nhìn thấy vụ án của Nguỵ Tiến trên tivi mới thành như vậy...”
Hứa Hoài Tụng gật đầu: “Không sao, những tình huống mất kiểm soát như thế này vẫn thường xảy ra, là do người chăm sóc mới thiếu kinh nghiệm, nếu là ở Mỹ thì không cần tiêm thuốc an thần cũng có thể vỗ về được ông ấy.”
“Anh không đi thăm bác ấy à?”
Anh lắc đầu: “Có bác sĩ ở đó, mẹ anh cũng cần những lúc như thế này, để hai người bọn họ ở cạnh nhau một lát. Nếu có chuyện gì sẽ có người gọi chúng ta thôi.”
Nguyễn Dụ ngộ ra: “Anh còn dùng thủ đoạn với cả mẹ anh nữa.”
Ý cười trên mặt Hứa Hoài Tụng rất nhạt, anh không trả lời thẳng, có vẻ như vẫn đang rất đau lòng cô: “Còn đau không?”
Cô lắc đầu: “Bình thường.”
“Vất vả cho em rồi.”
“Có gì vất vả chứ, người nhà của anh cũng là người nhà của em.”
Ánh mắt Hứa Hoài Tụng loé lên, chỉ ừ một tiếng rồi hôn nhẹ vào trán cô.
Lúc hai người về đến phòng bệnh, những thứ đồ ngổn ngang trên mặt đất đã được dọn dẹp sạch sẽ.
Ba Hứa đang ngủ, Đào Dung ngồi trên giường nhìn ông. Bà ngẩng đầu nhìn thấy vết thương của Nguyễn Dụ, tỏ ra rất có lỗi, nói nhỏ với Hứa Hoài Tụng: “Mẹ thấy sắc mặt của Dụ Dụ không tốt lắm, hay là con đưa con bé về nhà nghỉ ngơi đi, mẹ ở lại đây chăm sóc ba con.”
Hứa Hoài Tụng trầm mặc một lát.
Bà ngượng ngùng cười: “Con yên tâm, mẹ sẽ hỏi bác sĩ và hộ tá xem phải chăm sóc ba con thế nào.”
Hứa Hoài Tụng gật đầu, đưa Nguyễn Dụ về chung cư. Lúc đi qua hòm thư dưới lầu, anh lấy chìa khoá mở ra, có ba phong thư.
Gửi từ Mỹ đến, vừa tới nơi hôm nay.
Nguyễn Dụ liếc nhìn, tuy rằng cả ba phong đều gửi cho Hứa Hoài Tụng, nhưng góc thư nơi người nhận lại là của ba người khác nhau.
Có hai phong là của Hứa Hoài Thi và Đào Dung.
Sau khi vào nhà, Hứa Hoài Tụng đưa cô về phòng ngủ, bảo cô nằm xuống nghỉ ngơi, còn anh thì ra phòng khách ngồi, bóc phong thư mà ba Hứa gửi cho anh.
Đúng là nét chữ của Hứa Ân, nhưng lại hơi nghệch ngoạc, có vẻ như lúc viết bức thư này, tình trạng sức khoẻ của ông cũng không tốt.
Lời đầu tiên ông viết: “Con trai, lúc con đọc được bức thư này, có thể ba đã không còn trên đời nữa.”
Tuy đã chuẩn bị tâm lý, nhưng những lời này vẫn làm Hứa Hoài Tụng chấn động, ngưng trệ một lát mới đọc tiếp.
“Ba luôn không nói cho con một chuyện, trước khi đến Mỹ, bác sĩ đã chẩn đoán ba bị bệnh nặng về não, vì thế nên có lẽ con sẽ cảm thấy sự rời đi của ba là quá đột nhiên.”
“Nhưng trên thực tế, ba năm trước ba đã từng vào phòng cấp cứu hai lần, lúc viết bức thư này cũng là lúc ba vừa bước về từ cõi chết, vậy nên ba đã chuẩn bị sẵn tinh thần rồi, con không cần tiếc nuối gì cho ba, cũng đừng tự trách vì không biết chuyện sớm hơn, bởi vì đó là do ba cố tình giấu con.”
“Ba không muốn nói, con làm sao biết được chứ? Cũng giống như ba năm trước, ba nói với mẹ con, ba đã chán bà ấy rồi, cũng chán cái gia đình này, bà ấy cũng không biết là ba đang nói dối.”
“Ba rất cứng miệng, vì thế năm mười tám tuổi con chất vấn ba có biết người uỷ thác có tội thật không, ba đã không nói gì cả. Ba không nói là vì ba biết, cho dù ba có nói, chưa chắc con đã hiểu được. Mà con cũng đã lựa chọn để trở thành luật sư, trước sau gì cũng sẽ có ngày con tìm được đáp án.”
“Nhưng mà phải nói lại, ba không mong con sẽ trở thành luật sư. Hoặc ít nhất, đừng trở thành luật sư hình sự. Làm một luật sư hình sự, ba cực kỳ hi vọng ngày càng có nhiều những người trẻ tuổi bước trên con đường này, yêu nó, tin nó, dốc hết tâm huyết cho nó, để sự tồn tại của nó trở nên rực rỡ. Nhưng làm một người ba, ba không muốn con đau khổ, bị người khác trách cứ vì nó, giống như ba, gặp phải những cái nhìn ghẻ lạnh từ người đời.”
“Vậy nên, trong lúc con do dự chọn ngành, ba đã làm một chuyện mà đáng ra ba không nên làm. Ba đã nói chuyện riêng với thầy giáo con, nhờ ông ấy khuyên con, can thiệp vào sự lựa chọn của con, hy vọng con đừng trách ba.”
“Nhưng nếu con thật sự oán ba, vậy thì con cứ lựa chọn lại lần nữa theo ý con, bởi vì tóm lại đây cũng là cuộc đời của con. Ba chỉ muốn nói với con, dù cho cuối cùng con trở thành luật sư trong lĩnh vực nào, có thành thích thế nào, con vẫn luôn là niềm tự hào lớn nhất của ba. Tuy rằng ba cũng rất tiếc vì ba không thể thấy được.”
Bức thư đến đây thì kết thúc, không giống như một bức di chúc, lại nói rất nhiều rất nhiều.
Tầm mắt của Hứa Hoài Tụng trở nên mơ hồ, sau khi tháo chiếc kính đã dính bọt nước xuống, anh nghe thấy tiếng bước chân ở đằng sau.
Không biết Nguyễn Dụ đã ra khỏi phòng từ lúc nào, có vẻ như cô đã đứng nhìn anh rất lâu.
Anh nhìn sang chỗ khác, ho nhẹ một tiếng, biểu cảm mất tự nhiên.
Cô lại gần, ôm anh vào lòng, không hỏi anh trong bức thư ấy viết gì, mà chỉ nói: “Ngày mai sẽ tốt lên thôi, sẽ rất tốt, rất tốt.”
Đúng vậy.
Suýt thì mất đi, nhưng nhìn lại thì vẫn còn ở bên cạnh. Đây không phải là di chúc, không phải là kết cục cuối cùng, nghĩa là ngày mai nhất định sẽ tốt hơn.