Gái công xưởng - Phần II - Chương 13 phần 1
13. Tình yêu và tiền bạc
Cuộc sống của Mẫn chẳng có gì khiến cô vừa lòng kể từ khi cô quay lại chỗ làm sau chuyến về thăm nhà nhân dịp năm mới. Cô chẳng học được điều gì mới mẻ trong công việc, và lương cô vẫn thấp. Cô có thể thấy được vị trí của mình tồi tệ như thế nào khi so sánh với những người khác: bởi vì cô làm việc ở phòng nhân sự, cô biết được những người khác trong nhà máy kiếm được bao nhiêu tiền. Và cô cũng không hài lòng với bạn trai. Là một trợ lý ở khu vực sản xuất, A Kiệt kiếm được hơn Mẫn mỗi tháng ba trăm nhân dân tệ, nhưng công việc của anh ta đã đi đến đường cùng. Anh ta chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở, một sự thật mà từ trước đến nay Mẫn chưa đề cập đến. Có một lần anh ta gợi ý cô đi theo anh ta đến Bắc Kinh, nơi anh có thể kiếm được chân bảo vệ. Cô bác bỏ lời đề nghị ấy. “Người ta coi thường nghề bảo vệ,” cô kể với tôi. “Thậm chí nghề đó còn thấp cấp hơn là một công nhân bình thường.”
Tính e thẹn của A Kiệt, một đặc điểm phổ biến ở nông thôn, trở thành điều gây khó khăn trở ngại. Trong một bữa tối với bạn của Mẫn từ hồi ở nhà máy cũ, Lâm Gia, và hai chị gái của cô, A Kiệt không nói một lời nào trong suốt bữa ăn. Sau đó Lâm Gia gửi lời nhận xét cho Mẫn qua tin nhắn đi động: Tớ vừa nói chuyện với các chị và mọi người đều cho rằng anh ta quá yếu đuối. Anh ta không xứng với cậu. Từ Trường Sa, nơi chị Quế Mẫn của cô tìm được việc làm bán hàng cho một ngân hàng, chị ấy đổ thêm đầu vào lửa:Trong xã hội này, người quá hiền lành thì không thể tồn tại được.
Mẫn lo lắng rằng sự thiếu tham vọng của A Kiệt đã làm ảnh hưởng đến cô. “Từ khi hẹn hò với anh ấy, tôi chẳng học hành gì cả,” cô phàn nàn. “Tôi không thể cứ tiếp tục vui chơi như thế này mãi được. Nếu cứ như thế này một vài năm nữa, thì cả đời tôi cũng sẽ như vậy.” A Kiệt có lý đo để yên tâm về tình trạng hiện tại của anh ta. Hai phần ba công nhân và tất cả các ông chủ trong nhà máy đều quê ở Hồ Nam, quê nhà của anh. Anh ta có nhiều bạn ở chỗ làm, trong khi Mẫn lại cô đơn hơn bao giờ hết kể từ khi chị cô đi khỏi. Cô không có bạn trong nhà máy, cách lựa chọn có chủ ý của cô. “Nếu bạn trở nên thân thiết với ai đó,” cô nói, “sẽ dễ dàng hơn cho họ khi phản bội bạn.”
TRONG MỘT THỜI GIAN ĐÀI, tôi không biết nhiều về nhà máy nơi Mẫn làm việc. Nhà máy này thuộc sở hữu của Hồng Kông, sản xuất túi xách - đó là tất cả những gì cô nói. Trên chuyến đi tàu về quê cô, cô đã làm tôi ngạc nhiên với món quà năm mới của mình: ví đựng tiền lẻ của Coach, với logo chữ C viết hoa là biểu tượng của công ty, mép ví viền da tuyết nhung màu nâu. Tôi cho đó là đồ nhái, giống như rất nhiều thứ ở Đông Quản. Chỉ tình cờ tôi mới biết rằng nhà máy của Mẫn sản xuất túi xách cho một vài thương hiệu nổi tiếng nhất trong ngành kinh doanh đó: Coach, LeSportsac, Dooney & Bourke, Lacoste. Vì vậy cái ví cô tặng tôi là đồ hiệu thật sự - nó phải có giá khoảng năm mươi đô la khi được bày bán ở Mỹ.
Một đêm sau khi Mẫn đã quay trở lại Đông Quản, tôi hỏi cô và A Kiệt bằng cách nào mà họ có được những chiếc túi đó. “Nếu chị là bạn của những người bảo vệ, chị có thể đem túi xách ra khỏi nhà máy,” A Kiệt nói.
“Nghĩa là các anh ăn cắp túi à?” Tôi hỏi.
“Chúng tôi làm việc ở khu vực sản xuất,” A Kiệt nói, một cách thản nhiên. “Nếu dây chuyền sản xuất đã hoàn thành một đơn đặt hàng, chúng tôi có thể yêu cầu họ làm thêm một vài cái túi nữa. Rồi nếu kết bạn được với những người bảo vệ, bạn có thể mang túi ra ngoài.”
“Nhà máy không quan tâm đến việc này à?” Tôi hỏi.
Anh ta nhún vai. “Chỉ cần chúng tôi hoàn thành đơn đặt hàng, họ không quan tâm nữa.”
“Tôi mới đem một cái túi xách ra khỏi nhà máy hôm nay,” A Kiệt tiếp tục. “Giá của nó là hai trăm đô la Mỹ. Chị có thích không? Sao chị không đến xem thử nhỉ?”
Tôi vội nói mình không cần túi xách. “Anh nên đem làm quà cho mẹ anh thì hơn,' tôi nói.
“Mẹ anh ấy sống ở nông thôn,” Mẫn nói. “Bà biết làm gì với một cái túi xách kia chứ?”
Phòng ở của Mẫn và A Kiệt ngập trong các loại túi Coach: một chiếc ví với chữ C hoa trang trí, một chiếc ví đa màu đen với chỉ khâu màu tương phản, một chiếc xắc tay xinh xắn bằng da tuyết nhung màu đỏ tía - “Đùng để đựng đồ trang điểm,” Mẫn mạo muội nói. Ở một trong những chiếc túi tôi tìm thấy một tấm thẻ in chữ tiếng Anh để ở một ngăn phía trong:
SẢN PHẨM KINH ĐIỂN KIỂU MỸ
Vào năm 1941, sự bóng bẩy của một chiếc găng tay bóng chày tiêu biểu cho nước Mỹ đã gợi cảm hứng cho người sáng lập của Coach tạo nên một bộ sưu tập túi xách, từ cùng chất liệu da mềm cao cấp đùng để làm loại găng tay này. Sau khi xử lý da, sáu người thợ làm đồ da tạo nên mười hai chiếc túi xách mang thương hiệu Coach với tỷ lệ hoàn hảo và sự tinh tế vượt qua thời gian. Những chiếc túi này mới tinh, thiết thực, và phụ nữ ở khắp mọi nơi đều yêu thích. Một sản phẩm kinh điển kiểu Mỹ đã ra đời.
Trong thế giới của Mẫn, những chiếc túi Coach dao động khá lớn về mặt giá trị. Cô tặng chiếc ví có hoa văn chữ C hoa cho cô bạn gái Lâm Gia, người đã cho cô ở nhờ khi cô còn đang tìm việc làm. Khi chị của Lâm Gia tổ chức đám cưới ở một trong những khách sạn lớn nhất thành phố, Mẫn đem theo một chiếc túi xách đắt tiền làm quà tặng. Nhưng hầu hết các ngày còn lại những chiếc ví bán với giá hàng trăm đô la Mỹ ở Mỹ lại vô giá trị, vì hầu như không có ai trong số bạn bè người quen của Mẫn đã từng sử dụng hay biết giá trị của chúng. Mẫn để chìa khóa và chứng minh thư trong chiếc túi xách ưa thích của cô - một chiếc túi Lacoste dáng hobo bằng đa tuyết nhung; màu xanh - nhưng không bao giờ cô đem ra khỏi phòng. Một thứ đẹp như vậy, cô đoán, sẽ bị ăn cắp trong nháy mắt.
MẪN QUYẾT ĐịNH sẽ tiếp tục ở lại làm việc tại nhà máy. Mùa hè đã đến vùng châu thổ Châu Giang, với nhiệt độ hằng ngày lên tới hơn 90 độ F (30 độ C). Vào bar đêm khu ký túc xá ngột ngạt khó thở, ở khu vực sản xuất, mùi hóa chất đậm đặc tới mức cứ một lúc lại có một cô gái ngất trên dây chuyền lắp ráp và được đưa ra ngoài. Vào mùa hè, tham vọng cá nhân thường ngủ say, giống như động vật ngủ đông.
Nhưng có nhiều điều ảnh hưởng tới quyết định của Mẫn hơn là vấn đề thời tiết. Trong bữa ăn một ngày tháng Sáu năm 2005, cô nói với tôi rằng cô đã báo trước với ông chủ, nhưng rồi lại rút lại lời thông báo ấy sau khi A Kiệt nài nỉ cô ở lại. “Vì vậy tôi nói với A Kiệt năm nay tôi sẽ ở đây,” Mẫn nói. “Sang năm mới, tôi sẽ cùng anh ấy về thăm nhà anh. Sau Tết, tôi sẽ thôi việc và kiếm một công việc mới. Sang năm sau nữa, anh ấy sẽ cùng tôi về thăm nhà tôi.”
Khi chúng tôi tiếp tục nói chuyện, những điều cô vừa nói dần dần sáng tỏ: cô đã vạch ra kế hoạch cho hai năm tới, và cho cả cuộc đời cô. Ở tuổi mười chín, cô đã đồng ý lấy A Kiệt.
“Khi nào cô sẽ lấy chồng?” Tôi hỏi.
“Có lẽ là ba năm nữa.”
“Cô đã nói với cha mẹ chưa?”
“Chưa. Em không cần phải nói với cha mẹ cho đến khi em đưa A Kiệt về thăm nhà dịp năm mới vào hai năm sau.”
“Tại sao cô không về nhà vào năm sau?”
“Em chỉ có thể nói với cha mẹ rằng nhà máy không cho nghỉ.”
“Ý cô là nói dối à?”
“Phải.” Che giấu cha mẹ một số chuyện là bản năng thứ hai của cô. Chị gái cô đang sống ở Trường Sa với bạn trai, nhưng khi gọi điện về nhà, Quế Mẫn giả bộ rằng mình vẫn ở Đông Quản và yêu cầu Mẫn che giấu. So với việc đó, sự lảng tránh của Mẫn không đến nỗi quá tệ.
***
Không phải ai cũng tôn trọng việc đính hôn của Mẫn. Cô bạn Lâm Gia và hai người chị gái của cô ta tiếp tục nói xấu A Kiệt.Người Hồ Nam nghèo lắm! Anh ta chẳng có tí kỹ năng thực tế nào cả. Em tìm một người khác đi. Vào một ngày cuối tuần tháng Bảy, Lâm Gia quyết định giới thiệu cho Mẫn một anh bạn học từ hồi còn ở nhà, anh ta làm ở khu vực ngoại ô hẻo lánh là Thanh Khê nhưng anh ta sống trong thị trấn. “Tớ đã có bạn trai rồi,” Mẫn phản đối. Nhưng cô cũng tò mò đến mức không từ chối thẳng thừng.
Vào buổi tối hôm trước ngày hẹn gặp mặt, cô đến ngủ qua đêm tại căn hộ của tôi. Mẫn đi xe buýt đến, không mang theo gì, là cách mà những người dân ở nông thôn bộc lộ hai bàn tay trắng khi đến nhà người khác chơi. Tôi tìm chiếc áo phông và quần cộc cho cô thay khi đi ngủ rồi đưa cô ra ngoài mua bàn chải răng. Vào khoảng mười giờ, điện thoại của Mẫn đổ chuông khi chúng tôi đang xem ti vi, cô trả lời mà không chào hỏi gì người kia và nói chuyện một lúc. “Chúng ta sẽ đi gặp Lâm Gia vào ngày mai,” cô nói.
Chuông điện thoại lại reo. Tôi đoán cả hai lần đều là A Kiệt gọi, nhưng thực ra đó lại là anh bạn trai đang được giới thiệu. Anh ta thậm chí chưa gặp Mẫn, nhưng đã gọi điện liên tục cho cô. “Lâm Gia đã kể với anh ta là tôi xinh đẹp và thông minh, vì vậy anh ta rất muốn gặp tôi,” Mẫn nói. Trong suốt cả buổi tối, điện thoại của Mẫn rung liên tục vì anh chàng này tiếp tục nhắn tin cho cô. Vào tầm 11 giờ 30, điện thoại reo khi chúng tôi chuẩn bị đi ngủ. “Chúng tôi sắp đi ngủ,” Mẫn nói, “Nếu anh không chấm dứt ngay việc gọi điện cho tôi, tôi sẽ tắt điện thoại.”
CUỘC HẸN DIỄN RA tại một nhà hàng dim sum (điểm tâm)ồn ào đến điếc tai. Lâm Gia đã ở đó với chị cả của cô, Lâm Tuyết, chồng và con gái bốn tuổi của Lâm Tuyết, chị gái thứ hai của cô, người cha đã cao tuổi của bọn họ, và một người họ hàng mới từ quê lên. Chàng trai họ định giới thiệu cho Mẫn tên là Trương Bân, có gương mặt hẹp, mắt tròn sẫm màu, gò má nhợt nhạt đỏ bừng vì lo lắng. Anh ta mặc áo sơ mi trắng và quần màu xanh kẻ sọc nhỏ. Anh ta đi với một người bạn làm cùng ở nhà máy. Đây là một cuộc gặp mặt với mười một người tham dự trong đó hai nhân vật chính chưa biết mặt nhau.
Ngay khi Mẫn và tôi vừa ngồi xuống, Lâm Tuyết nhoài người về phía chúng tôi. “Anh ấy tốt nghiệp đại học và là người quản lý dây chuyền lắp ráp ở nhà máy đấy,” cô ta thì thầm. “Anh ấy rất cần cù”
Chồng của Lâm Tuyết bị kẹp giữa Mẫn và anh chàng kia một cách đầy lúng túng, hai người bọn họ không nói gì với nhau trong suốt cả bữa ăn. Từ xa, Lâm Gia cười khúc khích và đưa ra những lời gợi ý. Tại sao hôm nay cậu lại im lặng thế nhỉ? Tiếp theo cậu định làm gì? Giữa bữa ăn, chàng trai rời khỏi bàn và ra đứng một mình cạnh cửa sổ nhà hàng, ngó mông lung ra ngoài. Anh ta trông tựa như người hùng lãng mạn trong một bộ phim truyền hình Trung Quốc, sẵn sàng để khám phá các mối quan hệ lãng mạn. Trong phim truyền hình, Mẫn sẽ đi ra và đứng bên anh ta. Thay vào đó cô quay sang tôi và nói thầm: “Em thường không thích các anh chàng trông như thế kia.”
Sau bữa ăn, chồng của Lâm Tuyết nhìn thấy một đồng nghiệp và đi tới chào hỏi. Chàng trai lấy dũng khí quay sang nói chuyện với chúng tôi. “Tôi rất vui khi gặp cô và bạn của cô,” anh ta nói với Mẫn. Chúng tôi nâng chén trà lên uống. Mẫn không nói năng gì.
CÔ GỌI CHO TÔI VÀO LÚC MƯỜI MỘT GIỜ tối hôm đó. “Chúng em vừa mới về nhà,” cô thở hổn hển nói. Sau bữa trưa, cô và Lâm Gia đã đi công viên chơi cùng với anh chàng kia và bạn anh ta. Họ đi lên đồi tới tháp truyền hình rồi đi vòng quanh thành phố.
“Anh ta thế nào?” Tôi hỏi.
“Ổn cả. Chị nghĩ thế nào về anh ta?”
“Tôi không quen anh ta,” tôi nói nước đôi. “Anh ta có vẻ là người tốt.”
“Có tốt hơn A Kiệt không?” Cô nhấn mạnh.
“Thế cô thấy thế nào?”
“Em thấy được,” cô nói. “Anh ta biết cách cư xử đấy.”
Đêm hôm đó, anh chàng kia gọi cho cô. Lần đầu tiên Mẫn nói với anh ta là cô đã có bạn trai. “Hãy cho anh một cơ hội,” anh chàng nói.
***
Sau đó mọi việc bắt đầu diễn tiến rất nhanh. Mẫn mua một sim điện thoại mới. Kể từ khi yêu A Kiệt, cô dùng chung điện thoại với anh ta, dùng một số điện thoại di động riêng là một tuyên bố của sự độc lập.
Một vài ngày sau Lâm Tuyết có việc ở gần chỗ tôi ở, và chúng tôi ăn trưa với nhau. “Mẫn đang thân thiết với anh chàng đó!” Cô tiết lộ với tôi ngay khi chúng tôi gặp nhau. “Bây giờ cô ấy muốn rời nhà máy để thoát khỏi A Kiệt.” Lâm Tuyết rất vui vẻ nhưng cũng có phần hơi hoảng sợ trước sự mai mối thành công của mình. “Tôi nói với cô ấy đừng vội vàng hấp tấp. Liệu cô ấy đã chắc chắn về điều đó chưa?”
Hôm sau Mẫn gọi cho tôi. Cô có tin khẩn cấp, nhưng không phải là tin mà tôi đang chờ đợi. “Em vừa nói chuyện với cha mẹ,” cô nói.
“Ông bà có khỏe không?” Tôi hỏi.
“Em sẽ về nhà. Em muốn lấy bằng tốt nghiệp.”
Bằng tốt nghiệp là vấn đề mâu thuẫn tồn tại từ lâu giữa Mẫn và cha mẹ cô. Bởi vì rời trường sớm một học kỳ, cô đã không lấy bằng tốt nghiệp trước khi đi. Những nhà tuyển dụng thường muốn xem bằng tốt nghiệp, mặc dầu Mẫn có thể trình bày để được nhận vào làm các công việc mà cô mong muốn, nhưng ngày càng khó khăn hơn khi giải thích tại sao cô đã ra trường hai năm mà vẫn chưa lấy được bằng. Cô đã yêu cầu cha đi tới trường để lấy bằng hộ, nhưng ông từ chối. Ông hy vọng có thể ngăn cô nhảy việc. Để giúp đỡ cha mẹ, Mẫn có việc làm là đủ - họ không hiểu rằng có thể có những công việc khác tốt hơn. Mẫn cố gắng giải thích. “Đối với công việc này thì con không có triển vọng gì cả,” cô nói trong một lần gọi điện về nhà.
“Con thậm chí còn không học đại học,” mẹ cô nói. “Làm sao con có thể nói về triển vọng được?” Mẫn thất vọng đến mức gác máy ngay.