Gái công xưởng - Phần I - Chương 06 phần 2

Sau đó bà nội tôi học ở Cao đẳng Sư phạm nữ Bắc Kinh, một trong những trường cao đẳng đầu tiên tiếp nhận nữ sinh viên của Trung Quốc. Bà học chuyên ngành vật lý và âm nhạc, tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối của sinh viên, hút thuốc và đã tự chọn cho mình một cái tên mới, Lý Hương Hành, bởi nó có nhiều chữ lạ hơn cái tên cũ. Sau khi tốt nghiệp, bà tôi dạy tại một trường cấp III ở thành phố Cát Lâm, thủ phủ tỉnh nhà.

Trong bảy năm, bà đã viết rất nhiều thư gửi sang Mỹ, miền đất đã khiến bà phải cô đơn vò võ suốt những năm tháng tuổi đôi mươi, đồng thời cũng là miền đất đã thu nhận những đứa con của bà sau này, từng đứa một. Những lá thư của bà nay đã không còn nữa. Tất cả những gì còn lại của người thiếu phụ trẻ trong bà là vài câu ngắn ngủi trong cuốn nhật ký của ông nội tôi, như thể một bóng thú rừng thoáng lướt qua những hàng cây: nỗi cô đơn, hiu quạnh, những khoảnh khắc nổi nóng.

Hương Hành định về nhà vì mẹ tôi ốm.

Tôi mua một đôi giày để gửi về cho Hương Hành.

Trong thư, Hương Hành phản ứng rất dữ dội, nói rằng cô ấy đang phải chịu đựng một sai lầm khủng khiếp.

Tôi nhận được ba lá thư của Hương Hành, tất cả đều thúc giục tôi về nhà. Nhưng kế hoạch của tôi còn chưa thực hiện xong, tôi không thể trở về được.

Bà nội tôi cũng mong muốn được đến nước Mỹ, nhưng cụ tôi đã đặt ra luật lệ. Ngoại quốc không phải là nơi dành cho đàn bà, cụ nói. Một người đàn bà nên ở nhà.

***

Ngày 1 tháng Một, 1926

Nội loạn ở Trung Quốc là một nguyên nhân khiến tôi lo lắng. Trung Quốc một ngày nào đó chắc chắn sẽ trở nên thịnh vượng phồn vinh. Tôi sẽ thấy ngày ấy khi tôi còn sống. Mọi người đều phải làm việc chăm chỉ để chờ đón nó.

Hành vi cá nhân của tôi phải đáng để người ta kính trọng và tôi phải tằn tiện hơn trong cung cách sống.

Tôi ăn trưa với ông chủ nhà, Hairy Weart. Hàng xóm của ông ta, một cặp vợ chồng già, thích chơi với lũ chó và lũ chim, họ luôn miệng nói về lũ thú cưng của mình. Tôi thấy chán ngấy cái kiểu nói chuyện như vậy.

Ông nội tôi đến Mỹ năm 1920. Đó là kỷ nguyên của rượu lậu, cuộc vui sờ soạng hôn hít (petting parties), và AI Capone(16), nhưng ông hầu như không để ý đến những chuyện đó. Trong những trang nhật ký của mình, ông viết về chuyện tìm kiếm một khóa học tử tế và tình hình chính trị ở Trung Quốc. Hai chủ đề này được kết nối với nhau: bằng cách thu lượm những kỹ năng cần thiết ở Mỹ, ông sẽ tìm hiểu được điều gì cần để giúp đất nước quê hương mình trở thành một quốc gia hiện đại. Ông lướt qua văn học và kinh tế một chút trước khi quyết định chọn ngành kỹ thuật khai khoáng: phát triển công nghiệp sẽ là cứu tinh của đất nước Trung Quốc.

(16) Trùm gangster nổi tiếng nước Mỹ đầu thế kỷ 20.

Trong bảy năm ông ở Mỹ, tình hình ở quê nhà trở nên tệ hơn rất nhiều. Chính phủ Trung ương về cơ bản không còn tồn tại, bởi các quân phiệt với đội quân của riêng mình không ngừng gây chiến với nhau trên khắp đất nước. Trong cuốn nhật ký của ông tôi ở Mỹ khoảng những năm 1920, những người xuất hiện nhiều nhất là hai nhà quân phiệt Trung Quốc Ngô Bội Phu và Trương Tác Lâm.

Ngày 26 tháng Một

Trương Tác Lâm đã thả Ivanov [Giám đốc người Nga của hãng đường sắt miền Đông Trung Quốc], vì vậy vấn đề Cáp Nhĩ Tân đã tạm thời được giải quyết. Nguyên nhân gây ra sự kiện Cáp Nhĩ Tân có liên quan trực tiếp đến sự trở về của Phùng Ngọc Tường ở vùng Đông Bắc. Một người thích liên minh với người Nga, kẻ còn lại thì với người Nhật, nhưng mỗi người đều đang theo đuổi mục đích riêng của mình.

Trung Quốc vẫn chưa có người sản xuất các loại máy móc. Để tôi bắt đầu chuyện đó trong tương lai chắc chắn sẽ là điều tuyệt vời nhất.

Ngày 28 tháng Một

Hôm nay có tuyết lớn và gió mạnh, các con đường hầu như không thể nào đi nổi. Đồng nghiệp Backland của tôi chiều nay làm đám cưới lúc năm giờ...

Mãn Châu và Mông Cổ đã trở thành một trong những vấn đề lớn của thế giới. Nếu chúng ta không xử lý một cách đúng đắn, sẽ rất khó ngăn cản chúng trở thành một Triều Tiên thứ hai(17). Đây là quê cha đất tổ của tôi. Làm sao tôi có thể để nó vào tay kẻ khác? Tôi thề rằng tôi sẽ coi bảo vệ đất đai và sự phồn vinh hạnh phúc của người dân nơi đó là trách nhiệm của chính bản thân mình.

(17) Lúc này Triều Tiên bị sáp nhập vào Nhật Bản.

Ngày 4 tháng Ba.

Mắt kính vỡ, vì vậy tôi đến chỗ bác sĩ nhãn khoa để mua một đôi mới. Những hai mươi bốn đô la Mỹ. Thật đắt quá!

Những cánh rừng ở Cát Lâm hết sức thích hợp để sản xuất giấy, mỗi năm Cát Lâm xuất khẩu một lượng lớn các sản phẩm da, lông thú thì thậm chí còn nhiều hơn, bởi các tuyến đường sắt ở đây hết sức thuận tiện. Tôi sẽ nghĩ đến chuyện làm việc trong ngành công nghiệp sản xuất giấy.

Ngày 4 tháng Sáu

Hôm nay tôi đi điều nghiên ở núi Franklin. Cây cối sum sê thơm nức, không khí trong lành vô cùng. Buổi sáng sớm trời rất lạnh và đến tôi thì cổ họng tôi ngứa ran đau rát...

Nếu Trung Quốc muốn trở nên giàu mạnh, đất nước phải phát triển ngành công nghiệp thép, bằng không nó sẽ không thể nào kháng cự nổi sự xâm lấn của các quốc gia khác. Trong thời điểm này, tất cả máy móc của Trung Quốc đều dựa vào xuất khẩu. Nếu xảy ra chiến tranh, những nguồn cung cấp từ thế giới bên ngoài bị cắt đứt, Trung Quốc chắc chắn sẽ chiến bại.

Ngày 12 tháng Mười hai

Hôm nay tôi đã làm vệ sinh một cái máy khai thác than và tháo rời nó ra. Đó là phần thú vị nhất.

Để điều hành một đất nước và giáo dục con người của đất nước ấy, hay để chiếm lĩnh một vùng đất, cần phải có chính sách tuyên truyền tốt. Chỉ dựa vào sức mạnh quân sự thì sẽ chỉ dẫn đến thất bại mà thôi.

Hàng ngàn sinh viên Trung Quốc đến Mỹ trong khoảng hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ hai mươi, đây được coi là làn sóng du học nước ngoài lớn đầu tiên. Họ cho rằng Tây học là con đường tốt nhất để giúp đỡ nước Trung Quốc, và đều tập trung vào các môn học mang tính chất thực tiễn như kinh tế học, khoa học tự nhiên và đặc biệt là kỹ thuật chế tạo máy - ngành học được hơn một phần ba sinh viên Trung Quốc ở Mỹ lựa chọn trong khoảng thời gian giữa năm 1905 và năm 1924. Ông nội tôi học ở trường Đại học Mỏ Michigan, trong một khu vực khai thác đồng cũ gần biên giới Canada. Ông tốt nghiệp năm 1925, xếp thứ ba mươi ba trên tổng số bốn mươi tư thành viên trong lớp. Có vẻ Tân học vẫn khiến ông thấy khó khăn.

TÔI TÌNH CỜ TÌM THẤY cuốn nhật ký của ông nội tôi. Cha tôi nói cả gia đình đã bỏ lại tất cả những gì họ sở hữu trong những năm tháng Thế chiến thứ hai, trong cuộc nội chiến, trong chuyến bay đến Đài Loan và chuyến du hành tới nước Mỹ. Hơn một năm sau khi tôi bắt đầu tìm hiểu về lịch sử gia đình mình, tôi nói chuyện điện thoại với cha tôi và hỏi xem ông có giữ thứ gì của ông nội hay không. Thật bất ngờ, cha tôi nói ông cụ có hai cuốn nhật ký, một cuốn viết trong khoảng thời gian ông nội tôi ở Mỹ và cuốn thứ hai được viết từ khi gia đình sống ở Trùng Khánh trong chiến tranh. Cả hai gộp vào được khoảng gần một nghìn trang viết.

“Nó không hấp dẫn lắm đâu,” cha tôi nói. “Ông chỉ viết những thứ kiểu như “Hôm nay quân đội Nhật đã áp sát thành phố,” những chuyện tầm phào vậy thôi.”

“Thực ra thì,” tôi nói, “thế là hấp dẫn lắm rồi ạ.”

Qua những trang nhật ký của ông nội, tôi bắt đầu hiểu người ông mà tôi chưa từng gặp mặt một lần trong đời. Ông là một người đàn ông trẻ tuổi đang tìm kiếm mục đích của đời mình, mơ về một sự nghiệp có thể phát triển rộng mở. Ông tìm việc và nghỉ việc cũng thường xuyên như những người di trú hiện nay, nhanh chóng thấy buồn chán và luôn bồn chồn lo lắng rằng mình chưa học đủ. Ông cô đơn và trôi dạt.

Ngày 14 tháng Bảy

Mỗi khi rảnh rỗi ở nhà máy, tôi lại nghĩ đến đủ các rắc rối khác nhau. Tôi cảm tưởng mình như một con thuyền lẻ loi lênh đênh trên đại dương mênh mông. Ngay cả khi lòng tôi khát khao được bình lặng, nó cũng không thể bình lặng được.

Ngày 18 tháng Mười một

Tôi đã đi làm được gần hai năm rồi. Thỉnh thoảng tôi thấy mình không hứng thú gì với công việc. Nhưng người ta phải tự xử lý công việc ngay cả khi nó chẳng làm ta hứng thú chút nào. Với tình hình tồi tệ của Trung Quốc hiện nay, đây chính xác là thời điểm để người đàn ông thực hiện quyết tâm xây dựng sự nghiệp của riêng mình. Tôi phải cố gắng 120 phần trăm mới được.

Tự hoàn thiên mình là chủ đề chính trong cuốn nhật ký. Sau khi tốt nghiệp ở trường, ông nội tôi bỏ ra hai năm rèn luyện thực tế ở các khu mỏ và nhà máy ở miền Đông Bắc và Trung Tây. Ông đăng ký vào trường ban đêm ở Chicago để học ngành điện máy. Các đoạn nhật ký đầy những từ tiếng Anh lạ mà ông đang cố học thuộc: Goodman Standard Shortwall Machine (Máy khai thác gương lò ngắn chuẩn Goodman). Ratio of cement sand and slag (Tỷ lệ xi măng cát và xỉ). Pyramid Pump Open Hearth Mixer Blast Furnace Corrugated Underframe Door (Bơm hình chóp máy trộn lò Martin lò cao cửa lượn sóng dưới khung). Ông còn chép lại lời khuyên đã truyền cảm hứng cho bao người của người khổng lồ trong ngành công nghiệp Mỹ.

Mười điều đáng nhớ của Marshall Field(18)

1. Giá trị của thời gian

2. Thành công của nghị lực

3. Niềm vui lao động

4. Tầm quan trọng của tính cách

5. Chân giá trị của sự giản dị

6. Sự tiến bộ của năng lực

7. Sự hân hoan sáng tạo

8. Đức kiên nhẫn

9. Trí tuệ kinh tế

10. Sức mạnh của sự tử tế

(18) Marshall Field (1834-1906), người sáng lập ra Marshall Field and Company, chuỗi cửa hàng bán lẻ có trụ sở chính tạiChicago, được đánh giá là một trong mười nhà tài phiệt giàu nhất mọi thời đại.

Ở quê nhà xa xôi, gia đình ông gây áp lực buộc ông trở về. Đọc câu trả lời của ông nội trong nhật ký - khao khát trở về của tôi rất mạnh mẽ, song sự học của tôi vẫn chưa xong - làm tôi nhớ đến Xuân Minh, cô gái cũng có suy nghĩ gần như giống hệt. Có ai biết được tại sao tôi không về nhà đón Tết chứ? Lý do chính là: tôi thực sự không muốn lãng phí thời gian. Bởi vì tôi phải học!Nhưng ở sâu thẳm trong lòng, hành trình của họ có những chủ đích khác nhau. Các cô gái ở nhà máy đến thành phố để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn, còn ông nội tôi rời quê hương để một ngày nào đó ông có thể trở về và phục vụ đất nước tốt hơn. Bạn có thể nói rằng ông nội tôi rời quê hương là vì quê hương, trong khi những cô gái rời bỏ quê hương chỉ vì bản thân họ. Trong cuốn nhật ký của mình, Xuân Minh không bao giờ ngừng xoay quanh chủ đề ưa thích của cô, là chính bản thân cô: thành phố làm thay đổi cô thế nào, những người khác sẽ nhìn cô với ánh mắt ra sao, và từng chi tiết nhỏ về ngoại hình cơ thể cô: Mắt tôi không có hai mí, cô viết, nhưng mắt cũng không nhỏ lắm. Một mí không ảnh hưởng gì đến tầm nhìn. Tôi không có cặp môi mỏng nhưng miệng tôi có thể nói ra những lời thuyết phục được người khác. Tôi nói to, và hay hấp tấp, nhưng từ khi sinh ra tôi đã thế rồi. Trong hàng trăm trang nhật ký của ông nội tôi, không xuất hiện đoạn nào tự miêu tả về bản thân như thế. Những đoạn nhật ký của ông như thể là những bài thơ cổ - ngắn gọn và được kiểm soát, cá tính ẩn chứa bên trong nhưng không bao giờ lộ rõ. Trong thời gian ở Mỹ, ông nội tôi đã đổi tên tiếng Trung của mình. Những chữ được chọn cho tên mới của ông, Sân Phu, có vẻ như bắt nguồn từ một từ cổ là shenshen zhengfu (sân sân chinh phu), nghĩa là “người người lũ lượt tòng quân”. Đó chính là điều ông nội tôi ôm ấp: một đội quân tận hiến phục vụ, bản ngã của ông đã ẩn khuất đi trong cái tên ấy.

***

Ông nội trở về Trung Quốc vào mùa hè năm 1927. Trong ngày đầu tiên trở về nhà, cụ tôi đã tổ chức một bữa tiệc trong làng để chào mừng đứa con trai yêu quý đã mang lại vinh quang cho gia đình vì đã sang tận nước Mỹ xa xôi. Ngày thứ hai, người đứng đầu gia đình lấy ra một chiếc gậy gỗ gọi là jiafa - gia pháp - vật chuyên dụng để trừng phạt những đứa trẻ và người hầu phạm lỗi trong các gia tộc truyền thống - và dùng nó để đánh ông. Ở Mỹ, con trai cụ đã chuyển ngành học từ văn học sang kỹ thuật khai thác mỏ mà không được cha mẹ đồng ý, cho dù cha của ông nội tôi ở cách ông bảy nghìn dặm và chẳng hiểu gì về hệ thống trường đại học ở Mỹ. Trong một gia đình Trung Quốc, lời người cha là luật lệ. Trận đòn ấy nặng đến nỗi ông nội tôi không thể ngồi xuống trong suốt mấy ngày liền.

Cụ nội tôi muốn ông ở nhà giúp đỡ điều hành sản nghiệp gia đình, nhưng chàng trai trẻ đã từ chối: ông ghét cuộc sống gò bó trong khu nhà của gia đình và hân hoan được thoát khỏi nó. Ông đi phụ trách khai thác mỏ ở mỏ than Mục Lăng gần Cáp Nhĩ Tân, ở xa tít tận phía Đông Bắc đất nước.

Năm 1931, quân đội Nhật Bản tiến vào miền Nam đất Mãn Châu. Trong vòng sáu tháng, quân đội Nhật đã chiếm đóng toàn bộ khu vực và lập nên nhà nước Mãn Châu độc lập trên danh nghĩa, còn về bản chất thì chỉ là thuộc địa của nước Nhật. Khi người Nhật tiến vào, ông bà nội tôi đã chạy “vào quan nội”, phía Nam đường biên giới chia cắt Mãn Châu với phần còn lại của Trung Quốc. Năm 1937, quân đội Nhật Bản xâm lược vào vùng “bản thổ” Trung Quốc(19), tiến dọc theo các con đường và tuyến đường sắt để chiếm các thành phố ở miền Bắc và miền Đông. Phần lãnh thổ không bị chiếm đóng của Trung Quốc chuyển vào sâu trong nội địa, và gia đình tôi cũng đi theo. Ngôi nhà ở Mãn Châu trở thành một nơi xa xôi mà lũ trẻ chỉ biết đến trong những câu chuyện và bài hát.

Tôi đã rời khỏi làng quê yêu dấu

Bỏ cả kho báu vô cùng vô tận nơi đây.

Đi, đi, đi

Đi mãi vào quan nội.

(19) "Bản thổ" Trung Quốc bao gồm những vùng đất lịch sử lâu đời của Trung Quốc, đối lập với các vùng đất sáp nhập sau này của đế quốc Trung Hoa xưa và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày nay. Các vùng lãnh thổ thưởng được coi là nằm ngoài “bản thổ" Trung Quốc bao gồm Tân Cương, Tây Tạng, Đông Bắc (Mãn Châu) và Nội Mông.

CHIẾN TRANH ĐÃ khởi động hành trình di cư của một triệu con người. Trong suốt tám năm kháng chiến chống Nhật, cách người Trung Quốc gọi Thế chiến II, đất nước đã hai lần đổi thủ đô - từ Nam Kinh đến Vũ Hán, rồi đến Trùng Khánh vào cuối năm 1938, sâu trong miền Tây Nam, ra xa khỏi tầm với của các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại và đường giao thông huyết mạch, để quân đội Nhật không thể truy theo mà không bị ảnh hưởng đến nguồn tiếp tế. Trong núi, chính phủ Trung Quốc cố thủ và đợi quân Đồng minh đánh bại nước Nhật.

Khi chiến tranh bùng phát vào năm 1937, ông nội tôi đã giúp đỡ chuyển các thiết bị từ một mỏ than ở tỉnh Hà Nam, nơi ông làm giám đốc nhà máy đi hơn năm trăm dặm vào sâu trong nội địa đến tỉnh Tứ Xuyên. Là quan chức trong ủy ban Tài nguyên Quốc gia - cơ quan của chính phủ phụ trách xây dựng cơ sở công nghiệp cho chiến tranh của đất nước - ông được cử đi những vùng mỏ rải rác khắp nơi để giám sát việc sản xuất các mặt hàng chiến lược. Ông tôi thường đi trước và viết thư cho bà nội khi nơi đó đã an toàn để có thể đi theo ông. Năm người con của ông, mỗi người sinh ra ở một thành phố mỏ xa xôi. Bác Nellie, chị cả, sinh ở mỏ than Cáp Nhĩ Tân, nơi ông tôi làm việc sau khi trở về từ nước Mỹ, bác Luke và bố tôi ra đời trong một vùng khai thác than ở trung tâm tỉnh Hà Nam. Than Tứ Xuyên, có cô Irene; thủy ngân Hồ Nam, có chú Leo. Sự cô lập của những địa phương này đã nói lên sự phát triển của chủ nghĩa lý tưởng trong ông nội tôi. Hầu hết các sinh viên trở về từ nước ngoài đều sống ở các thành phố lớn, nhưng ông nội tôi nghĩ rằng công việc của ông sẽ cần thiết hơn ở những vùng lạc hậu của đất nước.

Những ràng buộc cá nhân trôi tuột đi - trong chiến tranh hỗn loạn, điều dễ xảy ra nhất trên đời này chính là mất liên lạc với ai đó. Gia đình có thể chuyển đến một nơi ở mới, đăng ký cho lũ trẻ vào trường, rồi lại rời đi chỉ vài tuần sau đó. Trong sáu năm học tiểu học, bác Luke kể với tôi, gia đình đã chuyển đi tới bảy lần. Liên lạc với gia đình ở quê rất khó khăn, những lá thư gửi về nhà ở Mãn Châu phải đi loanh quanh một quãng dài phía sau giới tuyến của kẻ địch. Đáng ngạc nhiên hơn là cách người ta tìm lại được nhau. Một hôm, khi chiến tranh đã gần kết thúc, một sinh viên đẹp trai tên là Triệu Hồng Chí bước vào nhà ăn dành cho nhân viên Cục Khai khoáng ở Trùng Khánh và nhận ra ông nội tôi. Gia đình bác Triệu Hồng Chí và gia đình tôi là bạn từ khi còn ở mỏ than Hà Nam mười năm về trước. Bác Triệu được mời đến nhà tôi ăn tối và bắt đầu theo đuổi bác Nellie của tôi, người bác ấy đã biết từ khi họ còn là những đứa trẻ.

Gia đình cũng được đoàn tụ trong diễn biến của chiến tranh. Khi anh cả của ông nội tôi ở nhà để quản lý sản nghiệp gia đình, thì con trai ông, bác Trương Lập Giao đến Bắc Kinh để học đúng vào thời điểm gia đình tôi đang sống ở đó. Trong các gia đình Trung Quốc truyền thống, anh em và anh em họ của cha được coi là thân cận như nhau. Ông nội tôi đã cho bác Lập Giao một ngôi nhà và trả học phí cho bác; từ khi họ còn là những đứa trẻ, bác Luke và bố tôi đã hết sức ngưỡng mộ và sùng bái “Anh Lập Giao”. Khi gia đình tôi chuyển đến Trùng Khánh để tránh khỏi sự xâm lấn của người Nhật, bác Lập Giao cũng đi theo họ.

Chiến tranh là một khoảng thời gian gây khó khăn cho ông nội tôi. Chiến tranh mang lại chết chóc, đổ nát và cả những lần lỡ hẹn, công việc bị đình chỉ, cùng những chiếc xe buýt hỏng.

Thỉnh thoảng, ông còn băn khoăn không hiểu công việc của ông có đáng bỏ ra ngần ấy nỗ lực hay không.

Ngày 14 tháng Bảy năm 1940

Mấy năm này trôi qua thật nhanh và không có nhiều ý nghĩa lắm. Trước tiên, tôi không có bạn bè, bởi tôi đã sống quá lâu trong vùng núi, cách biệt với thế giới bên ngoài. Thứ hai, tôi chẳng có lý tưởng sống gì cả, chỉ biết về mỏ và công việc khai thác mỏ. Mục đích tối thượng của cuộc đời là gì? Tôi vẫn còn chưa quyết định xong. Bốn mươi hai năm đã trôi qua như thế. Điều này đáng để tiếc nuối và ân hận đây.

Mùa hè năm 1939, cụ tôi, Trương Nhã Nam bị ốm và trở về khu nhà của gia đình ở thành phố Cát Lâm, thủ phủ tỉnh Cát Lâm. Người đàn ông đứng đầu một gia tộc giàu sang có thể đòi hỏi một tang lễ trọng thể, nhưng cụ tôi đã để lại di chúc rằng hãy chôn ông trong một chiếc áo choàng trắng, một cái mũ trắng và một đôi dép cỏ - những thứ phục sức mộc mạc của một nhà tu hành. Trên chiếc mũ phải viết dòng chữ baohen zhongtian (bão hận trung thiên): “ôm mối hận cho đến tận cuối đời,” biểu thị nỗi đau khổ vì quê nhà vẫn bị người Nhật chiếm đóng. Mãi đến tận năm sau, ông nội tôi mới biết tin cha mình qua đời. Tổ chức tang lễ theo đúng truyền thống cho cha mẹ là nhiệm vụ chính yếu của người con hiếu thảo, nhưng chiến tranh đã khiến trở về nhà thành một nhiệm vụ bất khả thực thi.

Ngày 24 tháng Ba, năm 1940

Tôi đã rất sửng sốt khi biết tin cha mình qua đời hôm mùng Năm. Hè năm trước ông đã một khối u trong dạ dày. Trong suốt ba tháng mùa đông, ông chỉ có thể ăn sữa bột thay khẩu phần hằng ngày. Trong cơn đau bệnh, ông mong mỏi được gặp chúng tôi. Năm nay ông bảy mươi lăm tuổi. Ông luôn khỏe mạnh và đáng lẽ có thể sống đến tám mươi hoặc chín mươi. Chỉ vì nỗi bất hạnh chung của cả đất nước, tinh thần ông rất kém và chính điều đó đã thúc đẩy ông mau đi đến chỗ lìa đời. Chúng tôi không thể đội trời chung với kẻ thù lâu hơn được nữa...

Ngày 18 tháng Chín năm 1931, tôi rời nhà ra đi. Đã chín năm rồi. Cả ông nội và bố tôi đều đã qua đời. Cuộc đời tôi đã thấy quá nhiều thay đổi. Là một người con, một người cháu, tôi làm cách nào để đền đáp đất nước, làm cách nào để đền đáp ông nội và cha mình đây!

Đã bốn mươi lăm tuổi khi triều đình nhà Thanh sụp đổ, cụ Trương Nhã Nam đã sống đủ lâu để thấy thế giới mà cụ biết đã biến mất và được thay thế bởi một thế giới khác, thế giới mà lũ con gái thì mong mỏi được đi xa còn bọn con trai bỏ lại người cha ngày một già nua để đi làm ở những nơi xa lạ. Cụ không đồng tình với những lựa chọn ấy; có lẽ khi con trai cụ rời bỏ nhà ra đi, giữa họ đã có những trăn trở giận dữ hoặc những điều không vui. Nhưng cuốn nhật ký truyền thống Trung Quốc không phải là chỗ để bộc lộ những điều riêng tư, và người con trai cụ đã không viết về những điều ấy.

***

Gia đình tôi đang sống ở Trùng Khánh khi người Nhật đầu hàng vào tháng Tám năm 1945. Ưu tiên hàng đầu của chính phủ là giành lại quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng công nghiệp khá phát triển của Mãn Châu; ông nội tôi và một người bạn, đồng thời cũng là đồng nghiệp tên Tôn Việt Kỳ được chỉ định đi giám sát quá trình trao trả lại các khu mỏ ở Đông Bắc cho người Trung Quốc. Khu khai thác chính của cả vùng nằm bên dưới một thị trấn xa xôi tên là Phủ Thuận - mỏ than lớn nhất cả nước, cũng là mỏ than lộ thiên lớn nhất thế giới vào thời điểm đó.

Đó là một nhiệm vụ rất nguy hiểm. Chiến tranh đã kết thúc, nhưng một cuộc chiến khác lại vừa mới bắt đầu. Xung đột giữa chính phủ Quốc dân Đảng và những người Cộng sản - chỉ giữ được trong tầm kiểm soát trong những năm tháng chiến tranh, do vậy vùng Đông Bắc chuyển thành một chiến trường có giá trị then chốt. Những người Cộng sản có lợi thế hơn: được quân đội Xô viết đã tiến vào vùng Đông Bắc trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến giúp đỡ, quân du kích Cộng sản nhanh chóng tiến vào Mãn Châu để chiếm giữ đất đai và những vật tư chiến tranh bị những kẻ chiếm đóng bỏ lại. Ở phía bên kia chiến tuyến, những người lính Quốc dân Đảng đang ở căn cứ thời chiến Trùng Khánh nên không thể kịp quay lại nơi này.