Kim Ốc Hận (Tập 1: Duyên) - Phần II - chương 43

Chương 43: Quanh cảnh tiết Thượng tự[1] thật đẹp

[1] Lễ Thượng Tự: Thời nhà Chu, cứ đến ngày Thượng tỵ của tháng thứ ba trong năm (ngày Thượng tỵ là ngày Tỵ của tuần đầu tiên trong tháng, mỗi tuần khi đó có mười ngày), người ta sẽ tổ chức buổi lễ trừ tà ma, đuổi bệnh tật, giải vận xui. Ngày này gọi là lễ Thượng Tự. Sẽ có nữ vu sư thực hiện nghi lễ cho mọi người ở bên bờ sông, dùng nước sông tắm gội, gột tẩy tất cả những thứ xấu xa, đen đủi. Sau này vì thấy ngày Thượng tỵ theo Âm lịch thường không cố định nên đến thời Ngụy Tấn, người ta lấy cố định ngày mùng ba tháng Ba Âm lịch làm lễ Thượng Tự.

Tháng Hai, mùa xuân năm Nguyên Thú thứ nhất.

Chiếc xe ngựa lớn hoa lệ lóc cóc trên đường phố đông đúc của Trường An rồi dừng lại ở trước cửa Tử Dạ y quán. Một người đàn ông có khuôn mặt thanh tú, mặc bộ y phục gấm màu đen xuống xe, chắp tay đi tiếp, mặc dù không biểu lộ gì nhưng lại ngầm mang vẻ tôn quý khiến cho mọi người đi ngang qua đều phải dừng bước theo.

"Công tử", Dương Đắc Ý cười bẩm, "Phu nhân đang ở bên trong."

Lưu Triệt gật đầu, quan sát đám đông đang đi qua đi lại không ngừng bên trong y quán. Gần đây Tử Dạ y quán nổi tiếng khắp Đại Hán, tất cả các đại phu ngồi trên sảnh đường khám bệnh đều nổi danh cả nước. Mức thu phí khám bệnh đối với người bình dân cũng không đắt quá, hơn nữa hiện giờ do Tiêu Phương cai quản, Tiêu Phương lại là người có lòng cứu nhân độ thế nên dần dần xoá bỏ quy định mỗi ngày chỉ khám mười người mà A Kiều đặt ra. Người đến chữa bệnh đành phải xếp hàng ở trước cửa y quán, dù có phải chờ một ngày một đêm cũng không một câu oán hận.

Lúc này, Tiêu Phương đang nhíu mày bắt mạch cho một thanh niên ngồi trước mặt. Người thanh niên mặc bộ y phục màu xanh nhạt, trang phục hoa lệ, trang sức đẹp đẽ trông ra dáng tôn quý nhưng sắc mặt khô vàng, hiển nhiên là sức khoẻ không tốt.

"Tiêu đại phu", ông lão đứng bên cạnh người thanh niên lên tiếng hỏi, "Thiếu gia nhà ta thế nào?"

Tiêu Phương khẽ nhướng mày, phẩy tay đáp, "Tạm thời thì không sao nhưng nếu công tử không cố gắng điều dưỡng thì e rằng trong vòng ba năm nữa bệnh sẽ nặng thêm, nguy hiểm đến tính mạng."

Ông lão tỏ vẻ lo âu, nói với Tiêu Phương giọng nhún nhường, "Xin phiền Tiêu tiên sinh giúp đỡ thiếu gia nhà ta một chút."

"Hi thúc", người thanh niên tỏ vẻ không quan tâm lắm, "Thúc không nên lo lắng như vậy chứ..." Hắn liếc mắt nhìn Tiêu Phương, "Nghe nói Tiêu tiên sinh là đệ nhất danh y của Đại Hán chúng ta, không biết có phải là thật hay không?"

Tiêu Phương chỉ nín lặng rồi khiêm tốn đáp, "Phương không có năng lực, làm sao dám nhận lấy danh tiếng như vậy? Nhạn Nhi", hắn xoay người lại gọi, trông thấy A Kiều đặt những chiếc thẻ tre trong tay xuống rồi đứng nhìn sang.

"Con hãy chẩn mạch cho vị công tử nãy xem có thể phát hiện ra điều gì hay không?"

Người thanh niên nhướng mày lên, định nói gì đó nhưng thấy gương mặt thanh cao xinh đẹp của Trần A Kiều thì ngẩn người ra không thốt nên lời, cảm thấy rất quen thuộc nhưng lại không nhớ nổi là đã gặp ở đâu. Hôm nay Trần A Kiều đến Tử Dạ y quán nên không thể ăn mặc quá sang trọng, chỉ mặc áo xanh quần trắng, nếu không có cách búi tóc thì đã gần như là trang phục của đàn ông rồi. Cho dù Lưu Đường đã gặp thì cũng làm sao ngờ được rằng người con gái đẹp nhất Đại Hán ngày xưa, Quận chúa Đường Ấp Trần A Kiều, lại ăn mặc như vậy xuất hiện ở một y quán?

A Kiều liền đưa tay bắt mạch, mới chạm tay vào đã cảm thấy mạch tựa như không có lấy một tia đập. Nàng nhíu mày, di chuyển ngón tay tới vị trí mạch tiếp theo thử lại, quả nhiên thấy dường như có một tí mạch ngưng trệ, hẳn là mạch chạy lệch lạc mà ngàn người cũng khó gặp một lần.

"Mạch ngưng mà không tắc, yếu mà không tán, tựa như trong lòng tích tụ mà không cách nào phát tán đi được. Sa đà trong rượu, dần dần tổn hại tới gan." Trần A Kiều nhướng mày nhìn về phía Tiêu Phương, hỏi vẻ chắc nịch, "Sư phụ, con nói đúng chứ?"

Lưu Triệt chắp tay từ bên ngoài y quán bước vào, từ tốn nói, "Tiêu tiên sinh quả nhiên y thuật thật giỏi, dạy dỗ được đồ đệ cũng thật có bản lĩnh." Y không lộ vẻ gì, cho dù Dương Đắc Ý đã hầu hạ y bao nhiêu năm nhưng giờ khắc này cũng không biết được y đang vui hay buồn. Trần A Kiều chỉ nín lặng, chợt cảm thấy mạch nơi tay dường như hơi chậm lại thì không khỏi để ý quan sát người thanh niên, nhưng chỉ thấy hắn vẫn tỏ nét mặt tươi cười không có gì khác thường. Ánh mắt Tiêu Phương hơi tối lại, cúi đầu hành lễ, "Lưu công tử."

Lưu Triệt quay sang bảo A Kiều, "Nàng ra ngoài cũng lâu rồi, nên trở về nhà đi."

Trần A Kiều không còn cách nào đành khẽ gật đầu, mỉm cười chào Tiêu Phương, "Sư phụ, đồ nhi cáo lui trước."

Ra khỏi y quán, Lưu Triệt dìu A Kiều lên xe ngựa, cảm thấy A Kiều có vẻ hơi cứng người ra nhưng không phản kháng.

"Hoàng thượng", Niếp Mông ngồi đằng trước xe hạ thấp giọng hỏi: "Trở về phủ Đường Ấp hầu sao?"

"Không", Lưu Triệt xua tay đáp, "Đi loanh quanh một lúc trong thành Trường An đi."

Niếp Mông nhận lệnh, liền đánh chiếc xe ngựa rảo bước trên đường phố Trường An.

Trần A Kiều không khỏi ngạc nhiên liếc mắt nhìn Lưu Triệt, xem ra y cũng phát hiện thấy có gì không đúng. Nàng khẽ thở dài, quả nhiên là một vị quân chủ vô cùng tinh anh. Nếu vừa rồi không phải nàng chẩn mạch cho người kia thì ngay cả nàng cũng chưa chắc đã phát hiện ra được. Xe cứ thế đi đến một nơi khá yên tĩnh, quả nhiên có một toán người mặc áo đen từ trên mái hiên ở góc phố xông tới vây quanh xe ngựa. Tên thủ lĩnh toán áo đen rút trường đao ra, đằng đằng sát khí, "Lưu Triệt, ngươi hãy để lại mạng đi."

Bên trong xe, Lưu Triệt nhếch miệng, "Đúng là giết mãi cũng không hết những bọn loạn thần tặc tử này."

Trước xe, Niếp Mông ngẩng đầu, vứt chiếc mũ rộng vành sang một bên, nhướng mày vỗ tay, liền có một đội Kỳ Môn quan từ cuối phố xông tới. "Tập kích Hoàng thượng là một tội phải tru di cửu tộc. Những thứ nghịch tặc này, không tha cho một tên nào cả", Niếp Mông quát lên.

Đám người áo đen lâm vào tình hình bất lợi nhưng không kẻ nào hoảng sợ lùi bước, tên thủ lĩnh ngửa mặt lên trời cười một tràng dài, "Ta đáng lẽ phải nghĩ trước rằng ngươi đã làm Hoàng đế ở cung Vị Ương thì sao có thể chỉ dẫn theo mấy người thế này đi ra ngoài cơ chứ?"

"Thái tử điện hạ", giọng gã dần lộ vẻ chua xót, "Thuộc hạ hôm nay cũng phải chết dưới lưỡi đao của Lưu Triệt, đến an ủi anh linh của người ở trên trời đây."

Bên trong xe, Lưu Triệt biến sắc mặt. Y lên ngôi đã gần hai mươi năm, đang độ cường thịnh nên triều thần cũng tương đối do dự đối với hai vị hoàng tử, chỉ giữ thái độ quan sát cho nên đến bây giờ vẫn còn chưa lập thái tử. Như vậy thì thái tử theo lời của người áo đen kia nói thì chỉ có thể là vị thái tử đầu tiên của Hán Cảnh Đế, ca ca của Lưu Triệt, người anh họ của A Kiều mà suýt nữa nàng đã cưới, thái tử bị lật đổ, Lưu Vinh.

Năm xưa chính là Vương thái hậu và Quán Đào trưởng công chúa Lưu Phiếu đã bắt tay nhau lật đổ ngôi vị thái tử của Lưu Vinh. Y bị giáng làm Lâm Giang vương, sau rồi chết ở đất Phiên. Cũng chính vì nguyên nhân đó mới giao ước cuộc hôn nhân của Lưu Triệt với Trần A Kiều. Lâm Giang vương Lưu Vinh chết rồi, Cảnh Đế niệm tình phụ tử nên cũng có chút thương xót, không truy cứu đến gia quyến của y. Theo trí nhớ, Lưu Vinh có một người con thứ tên là Lưu Đường, sau khi phụ thân chết thì đứa con này cũng mất tăm tích.

Nếu năm xưa Lưu Đường không được gia nhân dẫn đi trốn thì hai mẹ con Vương hoàng hậu có bỏ qua cho hắn hay không chứ? A Kiều cũng không biết, nàng thở dài một hơi, chuyện dây mơ rễ má như vậy thì Lưu Đường có cố ý báo thù cũng hợp tình hợp lý. Nhớ lại khuôn mặt của người thanh niên trong Tử Dạ y quán, quả nhiên có rất nhiều nét giống Lưu Vinh.

Lưu Vinh ca ca! Người thiếu niên như đoá hoa hồng giữa buổi chiều xuân đó cứ phai nhạt dần theo thời gian, biến mất khỏi trí nhớ ký ức của nàng, nếu không có người thanh niên hôm nay thì chắc là nàng không còn nhớ nổi.

Bên trong xe, khuôn mặt Lưu Triệt âm trầm bất định, bỗng nhiên ôm lấy A Kiều, đặt một nụ hôn lên má nàng rồi dặn, "Kiều Kiều, nàng phải cẩn thận đó." Y rút kiếm, hất tung rèm xe nhảy xuống.

"Hoàng thượng!" Niếp Mông đang chém giết, mũi kiếm sắc bén vừa cắm vào thân một người áo đen, trông thấy Lưu Triệt thì kinh hãi nói, "Hoàng thượng hãy trở về trong xe đi kẻo bọn thích khách tấn công làm thương tổn đến người."

Bọn áo đen bị Kỳ Môn quân chém giết khốc liệt đã mất hết nhuệ khí, giờ trông thấy bóng dáng Lưu Triệt thì không ngờ lại phấn chấn hẳn lên, cố gắng chém giết xông tới chỗ y.

Lưu Triệt lạnh lùng nhìn những thi thể nằm la liệt bên cạnh, xác đám người áo đen có, xác Kỳ Môn quân cũng có. Y đột nhiên nói, "Bắt sống hết những kẻ còn lại."

Niếp Mông ngạc nhiên nhưng Hoàng thượng đã ra lệnh thì phải nghe theo, cũng may là lúc này Kỳ Môn quân đã chiếm thế thượng phong, chỉ còn có vài tên áo đen đang chật vật chống đỡ. Qua thời gian chừng hai tuần hương thì tất cả đều bị bắt giữ.

"Hoàng thượng!" Niếp Mông lau vết máu trên lưỡi kiếm, đi tới bên Lưu Triệt rồi quỳ sụp xuống, trên tay áo vẫn còn dính máu, "Vi thần không làm nhục sứ mạng, đã đánh gục mười sáu tên nghịch tặc, bắt sống được bốn tên. Xin hỏi sẽ xử trí như thế nào?"

Lưu Triệt gật đầu, "Áp giải về phủ Đình Uý, giao cho Trương Thang. Bảo Trương Thang bằng bất cứ cách gì cũng phải tra ra cho trẫm."

"Ngoài ra, ban lệnh xuống, phong toả các cổng thành, tìm cho ra Lưu Đường trong thành Trường An."

"Dạ!" Niếp Mông nhận lệnh.

Lưu Triệt quay đầu lại, thấy A Kiều vén rèm xe ngựa lên, sắc mặt bình thản, ánh mắt đầy vẻ thấu hiểu thì thầm thở dài. Y vốn không muốn A Kiều gặp phải những chuyện chém giết như thế này nhưng lại quên mất rằng vụ chém giết trong cuộc đời nàng lại là do chính y gây ra. Cho tới bây giờ, đao quang kiếm ảnh hay là đầu rơi máu chảy đều đã là chuyện bình thường.

“Kiều Kiều”, y lên xe, không quay đầu lại mà chỉ thấp giọng nói, “Trẫm đưa nàng về phủ Đường Ấp hầu nhé.”

“Vâng.”

“… Sau ngày hôm nay, không được tùy tiện ra khỏi phủ nữa. Chắc ban nãy Lưu Đường không nhận ra nàng nhưng sau hôm nay đã biết được thân phận của nàng, nếu gặp lại thì tất nhiên sẽ bất lợi đối với nàng.”

Trần A Kiều ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi bỗng nhiên lên tiếng, “Hoàng thượng, vừa rồi thiếp chẩn mạch cho Lưu Đường, thấy bệnh của hắn thực sự đã đến mức nguy kịch, nếu không được sư phụ của thiếp điều trị thì chưa chắc đã được ba năm.”

“Trẫm cũng không định làm khó Lưu Đường.” Lưu Triệt nhìn nàng một lát, “Rốt cuộc hắn cũng là con cháu họ Lưu chúng ta. Trẫm có thể tha cho con cháu của Giao Đông vương và Giang Đô vương mà lại không dung thứ cho một Lưu Đường được sao? Chỉ cần hắn có thể bỏ qua, thì trẫm cũng có thể coi như không có vụ ám sát lần này, vẫn đối xử tử tế.”

Trần A Kiều im lặng, nàng cũng không chắc lắm việc Lưu Triệt nói như vậy là giả bộ hay thật lòng, nhưng Lưu Triệt bây giờ đã một mình nắm giữ vương quyền, trị vì thiên hạ, Lưu Đường có tồn tại cũng thật sự là bé nhỏ không đáng kể. Tuy nhiên cho dù thế nào thì nàng cũng không muốn Lưu Đường chết không kèn không trống. Có lẽ là thời thiếu niên, nàng đã vô tình có lỗi đối với Lưu Vinh. Nếu không có nàng và mẫu thân thì Lưu Vinh đã có cơ hội trị vì thiên hạ, thế mà cuối cùng lại phải lặng lẽ chết đi. Trong mấy năm bị Lưu Triệt ghẻ lạnh, nàng đã từng thầm nghĩ, nếu như ban đầu nàng được gả cho Lưu Vinh, một Lưu Vinh nhân từ khoan hậu, thì có phải sẽ hạnh phúc hơn hay không? Thế nhưng chẳng bao giờ có hai chữ “Nếu như”, huống chi nàng cũng không yêu Lưu Vinh, nhưng dù thế nào cho tới bây giờ, nàng vẫn không muốn người thiếu niên đã từng mỉm cười thân ái gọi mình là A Kiều muội muội trong một ngày xuân ở cung Vị Ương phải chết.

Thoáng chốc đã đến phủ Đường Ấp hầu. Qua khoảng trống giữa những lá cờ hiệu bay phất phới trước đầu xe, nàng đã thấy cổng và sân màu đỏ thắm rộng rãi của Hầu phủ. Lưu Mạch đã mấy ngày không được gặp, đứng ở trước cửa trông thấy xe ngựa thì cặp mắt lập tức sáng rực.

“Mẫu thân!” Mạch Nhi gọi vang.

A Kiều nhìn nó, bất giác nhớ lại Lưu Vinh của hai mươi năm trước cũng có phong độ, nụ cười ấm áp tương tự.

“Vô tình nhất chính là bậc đế vương”, nàng đã nghe thấy câu nói này suốt bao năm, có vô số chuyện như vậy hoặc là tương tự như vậy chứng minh tính chính xác của nó. Bỗng nhiên thấy xót xa, nàng nhủ thầm với lòng mình, “Mạch Nhi, mẫu thân sẽ không bao giờ để cho con phải chịu những nỗi thống khổ như thế.”

Chợt thấy bàn tay mình ấm áp, nàng nhìn xuống thì ra là tay của Lưu Triệt đã đặt lên. “Kiều Kiều”, y nhìn vào mắt nàng, “Trẫm sẽ không để cho Mạch Nhi bước theo con đường của Lưu Vinh.”

Lưu Vinh thất thế là vì Hán Cảnh Đế bỏ rơi mẹ con bọn họ. Lưu Triệt thầm hiểu rằng A Kiều coi trọng hai đứa con trai, gái của mình đến mức nào. Nếu một lời hứa hẹn như vậy có thể làm cho A Kiều thêm an tâm thì y cũng chẳng nề hà mà nói ra.

Phủ Đình úy khua chiêng gõ mõ lục soát trong thành Trường An suốt nửa tháng nhưng vẫn không có tin tức của Lưu Đường. Trong mấy ngày, quan Nội đình Trương Thang rất phiền não, mặc dù lão rất nhiều thủ đoạn tra tấn tù nhân nhưng trước những nhân vật thực sự như heo chết không sợ nước sôi này thì cũng hết cách. Nghiêm hình tra khảo nửa tháng, có tới ba tên áo đen tự sát nhưng cũng chỉ tra ra được chủ nhân của chúng quả nhiên là Lưu Đường, con trưởng dòng thứ của Lâm Giang vương trước kia. Năm đó hắn được lão bộc mang ra khỏi phủ Lâm Giang vương rồi lưu lạc ở miền biên giới Đại Hán. Hiện giờ sức khỏe Lưu Đường không tốt nên mới tới Trường An cầu thuốc. Trương Thang hỏi thêm về khả năng Lưu Đường trốn tránh ở đâu thì chúng không nói một lời.

Lưu Triệt dĩ nhiên không hài lòng trước kết quả như thế nên đã mấy lần nổi trận lôi đình. Trương Thang cũng chỉ còn cách cố gắng hết sức, dặn thuộc hạ quản chế nghiêm mật tên áo đen cuối cùng không để cho gã dễ dàng tìm tới cái chết. Cả thành Trường An lạnh lẽo tiêu điều, ai nấy đều cảm giác được bầu không khí bất thường.

Chớp mắt đã đến tháng Ba, thời gian tiết Thượng tự của mùa xuân. Từ trước đến giờ, tiết Thượng tự phải ra bờ sông làm nghi thức giải hạn. Những ngày này, Trần A Kiều không muốn để cho mẫu thân phải lo lắng nên cũng không bước chân ra ngoài phủ Đường Ấp hầu. Cuối cùng đã có thể thoải mái nên trong lòng nàng rất vui vẻ, Tảo Tảo lại càng không phải nói.

Giờ Dần là giờ Thái hậu cùng Hoàng đế và phi tần trong cung tế tự, còn các thế gia, quý tộc, hoàng thân phải đến giờ Mão mới được xuất hành. Mùng ba tháng Ba, một đoàn xe ngựa rầm rầm rộ rộ chạy ra khỏi phủ Đường Ấp hầu hướng về sông Giao Vị nằm ở phía Bắc Trường An, mang theo một đội quân sĩ của Trần phủ.

Những thế gia, quý tộc, hoàng thân còn lại của thành Trường An cũng muốn tới đó. Trần A Kiều ở trên xe nghe thấy tiếng đoàn xe của các nhà khác hàn huyên với nhau. Phong Dã ở bên ngoài bẩm, “Nương nương, là người nhà Mạt Lăng hầu.”

A Kiều vén rèm lên, quả nhiên nhìn thấy bên tay phải là một chiếc xe ngựa tôn quý, bên kia Lưu Lăng cũng đang vén rèm mỉm cười.

Lưu Lăng bảo người hầu, “Nói một tiếng với phu nhân Hầu gia là ta đi cùng với Trần nương nương.” Nàng dẫn Lưu Quang xuống xe, thị vệ biết Trưởng công chúa Phi Nguyệt xưa nay giao du thân mật với A Kiều nên không để ý lắm, chỉ gật đầu đáp ứng.

Trần A Kiều cũng lệnh cho xe dừng lại để Lưu Lăng bước lên, hỏi đùa, “Có mấy ngày không gặp mà Lăng Nhi càng thêm kiều diễm, có lang quân vừa ý thật rồi sao?”

Lưu Lăng trầm mặc hồi lâu rồi khoan thai ngâm nga:

“Nguyện được người một dạ,

Bạc đầu chẳng phân ly.[2]

[2] Hai câu thơ trong bài Bạch đầu ngâm (Khúc ngâm đầu bạc) của Trác Văn Quân.

Ở thời đại này, tìm đâu ra một người như vậy chứ? Tỷ thấy không, những người phụ nữ xinh đẹp như tỷ hay là Trác Văn Quân cũng đều bị phụ bạc cả.”

Trần A Kiều không biết nói gì, nghĩ tới mối quan hệ mập mờ không rõ ràng giữa mình và Lưu Triệt thì thấy câu nói “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” quả nhiên là đúng.

“Cho nên”, Lưu Lăng vênh mặt, “Muội quyết chí không lấy chồng, cũng tuyệt đối không để bản thân mình chịu thiệt thòi. Làm một bông hoa vĩnh viễn không già trong chốn quyền quý ở giữa thành Trường An phồn vinh hoa lệ này cũng không phải là tệ.”

Đang nói chuyện, xe ngựa đã đến bờ sông. Gió xuân sớm thổi qua mặt sóng làm rơi rụng lớp lớp hoa đào, vô cùng mỹ lệ. Sau lễ tế tự chính là hội Đạp thanh[3]. Lớp lớp binh lính đứng canh giữ ở phía sau nên không sợ có ai tìm đến. A Kiều và Lưu Lăng không sợ lạnh nên để chân trần lội xuống sông Vị Hà bắt những chú cá sống sót sau mùa đông, té nước vào nhau khiến cả hai trong chốc lát đều ướt đẫm. Lưu Sơ sợ lạnh, đứng ở trên bờ hâm mộ nhìn xuống, hò hét, “Mẫu thân, dì Lăng, lên đây đi, nếu không sẽ cảm lạnh đấy.”

[3] Hội Đạp thanh: Hội này cũng trong ngày mùng ba tháng Ba, Âm lịch, thanh niên nam nữ cùng nhau du xuân.

Lên bờ có người đã chờ sẵn để hầu các nàng đổi y phục khô ráo. Lưu Lăng ôm Lưu Sơ, rủ rê, “Tảo Tảo, chúng ta đi chơi diều chứ?”

Lưu Sơ tò mò trông rất đáng yêu, “Diều là cái gì ạ?”

“Thế này nhé, Tảo Tảo ở dưới đất cầm một sợi dây kéo thả còn nó thì bay trên trời, đó gọi là diều.” Tính Lưu Lăng vốn dứt khoát, nói là làm, liền bảo người tìm thanh trúc và giấy. Nàng và A Kiều đều khéo tay nên chỉ chốc lát đã làm được một con diều giấy có khung bằng trúc tinh xảo. A Kiều bảo Tảo Tảo đứng xuôi chiều gió rồi phóng diều ra. Nhờ sức gió tháng Ba, chiếc diều lập tức bay lên chao liệng trên trời cao. Lưu Sơ cười vui sướng. Bỗng thấy cánh diều chao đảo như sắp rơi, theo bản năng định chạy đuổi theo. Mọi người chung quanh đều ngẩng đầu nhìn cánh diều hình bướm xinh đẹp chao lượn trên bầu trời, tấm tắc khen, không ai phát hiện ra một đoàn người từ bờ sông Vị Hà đang bước tới.

Gió đột nhiên chuyển mạnh giật đứt dây diều, cánh diều hình bướm dạt dần về phía thượng du sông trong tiếng thở dài của mọi người, nó đảo một cái rồi rơi xuống chân một người áo xám. Lưu Sơ hưng phấn bó cuộn dây lại, chạy ào tới, hét toáng lên, “Ca ca!”

Tất cả mọi người đều quỳ lạy, bái chào, “Tham kiến Hoàng thượng.”

Lưu Triệt tỏ vẻ bình thản bảo: “Đứng lên đi.” Y nhìn về phía A Kiều và Lưu Lăng đầy ẩn ý.

Trưởng công chúa Quán Đào bước lên hỏi, “Sao Hoàng thượng lại tới đây?”

Lưu Triệt đưa đẩy, “Tế tự xong, trẫm nhớ tới cô cô nên sang đây thăm.”

Đông Phương Sóc nhặt con diều dưới chân lên, lật qua lật lại xem xét rồi khen ngợi, “Quả là tinh xảo.”

Lưu Lăng và A Kiều liếc nhìn nhau, khiêm tốn đáp, “Mấy trò vặt vãnh thôi mà, tiên sinh quá khen rồi.”

Lưu Triệt đã lớn tuổi nhưng trong lòng vẫn còn tính trẻ con ưa náo nhiệt. Y ôm lấy A Kiều, đứng đối diện với cái chậu trước mặt hỏi, “Các khanh có thể đoán ra trong chậu đựng vật gì không?”

A Kiều khẽ cau mày, đang nghĩ cách lùi ra một bước thì đã nghe Lưu Triệt hừ lạnh một tiếng, bàn tay ôm eo nàng càng siết chặt hơn. Nàng bất đắc dĩ thở dài, thầm nghĩ, được rồi, vẫn ở trong giới hạn chấp nhận được.

Từ trong chậu truyền ra tiếng lạo xao, chứng tỏ là vật sống. Mọi người đoán một hồi nhưng đều không đúng.

“Chắc là rắn”, Đổng Yển đoán, lại thấy Lưu Triệt lắc đầu, “Mặc dù không phải nhưng cũng gần đúng rồi đấy.”

Đông Phương Sóc tiến lên một bước, lắc lư đầu đoán, “Là rồng nhưng không có sừng; là rắn có chân, không phải tắc kè thì là thằn lằn!”

Lưu Triệt mỉm cười, “Vẫn là Đông Phương Sóc đúng rồi.” Y quay sang bảo thưởng cho Đông Phương Sóc mười súc lụa, mở cái chậu ra thì đúng như vậy.

Lưu Sơ vỗ tay khen, “Đông Phương tiên sinh quả nhiên thông minh. Không trách ca ca luôn tôn kính tiên sinh.”

Đổng Yển đứng bên cạnh không phục, “Đông Phương tiên sinh thông tuệ như thế, Yển ra một câu đố, tiên sinh không ngại đoán chứ?”

“Lệnh hồ trở, lão bách đồ, y ưu á, nghi hồng nha?”

Đông Phương Sóc xưa nay không ưa Đổng Yển cùng Hoàng thượng chơi bời lêu lổng, săn thú đá cầu, làm bộ suy tư một lát liền cười nói, “Lệnh chắc là mệnh lệnh, hồ chắc là vật đựng cơm, trở là răng không ngay ngắn; lão là người được mọi người kính trọng; bách là quỷ đình; đồ là đường còn ướt nhão nhoét; y ưu á là nói không chừng; nghi hồng nha, đây không phải là hai con chó cắn nhau sao.”

Mọi người đều thán phục. Lưu Lăng cúi đầu, đang định tìm một vấn đề thật khó khăn để bắt bí hắn thì lại thấy A Kiều lắc đầu, ngầm ý bảo thôi đi.

Đến lúc trời tối, Trương Thang phái người tới bẩm báo phát hiện tung tích Lưu Đường trong thành Trường An, Lưu Triệt lập tức tỏ vẻ nghiêm túc, trở về cung Vị Ương để xử lý.

Trần A Kiều tán gẫu với Lưu Lăng, kể lại lần làm khó Đông Phương Sóc ở điện Tuyên Thất trước kia.

“Đông Phương Sóc quả nhiên không hổ được sử sách lưu danh là đối đáp giỏi.” Lưu Lăng cũng phụ họa, “Muội nghĩ mãi mà vẫn không nghĩ ra vấn đề cuối cùng kia.”