Nghiên cứu phân tâm học - Phần III - Chương 05

5. Những tình trạng lệ thuộc của cái tôi

Những đề mục dùng cho các chương trên không hẳn là phù hợp với nội dung, muốn nghiên cứu những liên lạc mới chúng tôi phải nhắc lại những quan điểm hầu như đã thảo luận xong, chúng tôi phải làm như vậy là vì những đề tài thảo luận phức tạp vô cùng.

Đã nhiều lần chúng tôi nói rằng phần lớn cái tôi được cấu tạo bởi sự đồng nhất hóa, những đồng nhất hóa đó là những yếu tố tình dục đã nhập vào vô thức nhưng bị cái tôi đoạt lấy; những đồng nhất hóa đầu tiên hoạt động chống lại cái tôi, dần dần cái tôi có sức mạnh và có nhất trí có thể đương đầu được với chúng. Siêu ngã có ưu thế đối với cái tôi nhờ một yếu tố có tầm quan trọng về hai phương diện: 1) Yếu tố ấy đại diện cho sự đồng nhất hóa đầu tiên nói ở trên, lúc ấy cái tôi còn yếu ớt; 2) Yếu tố ấy là con thừa tự của mặc cảm Oepide, với tư cách ấy nó đưa vào cho cái tôi những vật quý giá nhất. Trong một phạm vi nào, vai trò của yếu tố quan trọng ấy đối với những biến đổi sau này của cái tôi cũng như vai trò của giai đoạn dục tính nguyên sơ đối với sinh hoạt dục tính của đứa trẻ sau khi dậy thì. Yếu tố ấy tuy chịu mọi ảnh hưởng ở ngoại giới nhưng vẫn giữ suốt đời những đặc điểm đã thừa hưởng của mặc cảm Oepide, nghĩa là khả năng chống lại cái tôi và ngự trị cái tôi. Nó vẫn nhớ những chỗ non yểu và lệ thuộc ngày xưa của cái tôi tuy rằng cái tôi đã trưởng thành. Cũng như đứa trẻ phải vâng lời cha mẹ, cái tôi phục tòng mệnh lệnh nghiêm khắc của siêu ngã.

Nhưng vì siêu ngã thoát thai từ những di tích đầu tiên trong vô thức cho nên nó còn có ý nghĩa lớn lao hơn. Nhưng chúng tôi đã minh thị, siêu ngã có ưu thế như vậy vì nó tiếp xúc thẳng với những sở đắc có tính cách hệ thống phát sinh (phylogénique) của vô thức, nó thể hiện tất cả những cái tôi xa xưa đã để lại vết tích di truyền trong vô thức. Nhờ những may mắn đó siêu ngã lúc nào cũng tiếp xúc mật thiết với vô thức và có thể đại diện cho vô thức bên cạnh cái tôi. Nó bám sâu xuống vô thức vì thế nó xa ý thức hơn cái tôi[17].

[17] Phóng theo cái hình nhân của nguyên tử học, chúng ta có thể nói cái tôi của phân tâm học hay siêu hình tâm lý học đứng ngược đầu xưống dưới, chân lên trên.

Muốn hiểu rõ những mối liên lạc ấy chúng tôi chỉ cần nhớ lại một vài quan sát bệnh viện đã biết từ lâu nhưng còn đợi lập thành lý thuyết.

Trong lúc tâm phân nghiệm một vài người tỏ ra có thái độ rất kỳ lạ. Khi ông thầy cho họ hy vọng và tỏ ra thỏa mãn về bệnh có thuyên giảm, thì họ tỏ ra không vui lòng, tình trạng của họ nặng thêm. Cách cục ấy bộ lộ sự mâu thuẫn của họ và ý muốn của họ tỏ ra mình hơn ông thầy. Nhưng chẳng bao lâu chúng tôi nhận thấy đây là một hiện tượng sâu xa hơn. Không những họ không thể khen ngợi và biết ơn được mà họ còn phản ứng lại sự tiến bộ của phương trị liệu, thật là trái với dự tưởng của thầy thuốc. Đối với những người bệnh khác, bệnh lui đôi chút thì triệu chứng tăng gia hay tạm biến mất, người bệnh tăng thêm đau khổ một thời gian, tình trạng người bệnh đáng lẽ khá hơn thì lại nặng thêm. Trường hợp này gọi là phản ứng trị liệu pháp tiêu cực.

Hẳn là đối với những người ấy có cái gì chống đối lại sự khỏi bệnh, họ sợ lúc khỏi như sợ sự nguy hiểm. Người ta có thể nói rằng đối với họ nhu cầu mắc bệnh trội hơn nhu cầu khỏi bệnh. Khi phân tích sự kháng cự ấy bằng những phương tiện thường dùng, khi đem tách riêng thái độ gây gổ với ông thầy và thái độ bám riết một hình thức gia trọng bệnh hoạn nào đó, thì chúng tôi nhận thấy có một yếu tố cản trở họ khỏi bệnh rất mạnh mẽ. Mạnh mẽ hơn cả sự ngã ái ngang ngạnh, hơn cả thái độ tiêu cực đối với ông thầy và ý muốn tăng thêm bệnh.

Đó là yếu tố “luân lý”, nghĩa là một cảm tưởng phạm tội chỉ tìm thỏa mãn trong bệnh tật và không muốn từ bỏ cực hình đại diện bở sự đau đớn. Đó là một điều chẳng làm cho chúng ta vui sướng nhưng chúng ta công nhận là có thực. Tuy nhiên cảm tưởng phạm tội rất kín miệng, nó chẳng nói năng gì cho người bệnh biết là họ có cảm tưởng phạm tội ấy, họ chỉ yên chí rằng họ mắc bệnh thế thôi. Cảm tưởng ấy xuất lộ ra hình thức một sức kháng cự, khó lòng mà trừ bỏ sức kháng cự lại ý muốn khỏi bệnh. Nói cho họ biết lý do mà họ kháng cự lại cũng không phải là việc dễ; họ vơ ngay lấy cách giải thích dễ dàng nhất; cách chữa bằng phân tâm học không thể khỏi bệnh được[18].

[18] Loại bỏ được cảm tưởng phạm tội nấp trong tiềm thức người bệnh cũng không phải là dễ dàng. Chúng tôi không có một phương tiện trực tiếp, còn phương tiện gián tiếp thì chúng tôi chỉ biết có một cách lần hồi đem những lý do bị dồn nén trong tiềm thức ra ánh sáng và dần dần biến đổi cảm tưởng phạm tội tiềm thức ra cảm tưởng phạm tội ý thức. Chúng tôi có may mắn đặc biệt để thành công nếu gặp trường hợp cảm tưởng phạm tội tiềm thức vay mượn, nghĩa là người bệnh tự đồng nhất hóa với người trước kia là đối tượng dục tính của họ. Cảm tưởng phạm tội ấy là cái gì còn sót lại của mối tình đã lìa bỏ. Có sự tương đồng rõ rệt với tình trạng người bệnh ưu uất. Khi người ta khám phá ra dưới cảm tưởng phạm tội tiềm thức một dấu vết tình ái cũ thì công việc trị bệnh được giải quyết tốt đẹp: trái lại, nếu không có thì kết quả bất chắc. Trước hết, kết quả tùy thuộc vào cảm tưởng phạm tội mạnh hay yếu, nếu mạnh thì khó mà đối đầu với nó bằng một sức mạnh ngang hàng. Kết quả còn tùy thuộc cá nhân ông thầy, nghĩa là con bệnh có sẵn sàng lấy ông thầy thay thế cho tôi lý tưởng của họ không? Nếu có thì ông thầy sẽ đóng vai một nhà tiên tri, một người cứu rỗi linh hồn. Nhưng phép tắc tâm phân nghiêm cấm ông thầy dùng uy tín của mình như vậy, chúng tôi phải thành thực mà thú nhận rằng đây lại là một khó khăn nữa. Mục đích của phương liệu phân tâm không phải là làm cho không thể có những phản ứng bệnh hoạn được mà chỉ là làm cho cái tôi có tự do để muốn quyết định theo đường nào thì quyết định lấy.

Sự mô tả trên đây chỉ đúng với những trường hợp cực đoan, nhưng có thể khá đúng với nhiều bệnh suy nhược thần kinh, có lẽ tất cả các bệnh suy nhược thần kinh nặng. Người ta có thể tự hỏi rằng có phải chính yếu tố cảm tưởng phạm tội đó, nghĩa là thái độ của tôi lý tưởng, đã đóng vai trò quyết định trong bệnh suy nhược thần kinh và làm cho người bệnh nặng không? Bởi vậy chúng tôi xin nói thêm vài nhận xét về sự bộc lộ cảm tưởng phạm tội trong nhiều trường hợp khác.

Mô tả cảm tưởng phạm tội bình thường và ý thức được thì không khó, đó là một cách lên án cái tôi của thẩm quyền phê phán, có sự căng thẳng giữa tôi tôi lý tưởng. Cảm tưởng hèn kém của người suy nhược thần kinh cũng có thể giải thích như thế được. Trong hai loại suy nhược thần kinh mà chúng tôi biết rõ, cảm tưởng tự ty có thể ý thức được rất rõ; tôi lý tưởng tỏ ra rất nghiệt khắc và độc ác với cái tôi. Ngoài nét chung ấy ra, hai bệnh nói trên (suy nhược thần kinh ám ảnh và ưu uất) còn có những nét khác nhau rất ý nghĩa của thái độ tôi lý tưởng.

Trong bệnh suy nhược thần kinh ám ảnh (hay ít ra một vài hình thức bệnh ấy), cảm tưởng phạm tội có tính cách cấp tính, nhưng cái tôi nổi lên chống lại cảm tưởng ấy, chống lại lời buộc tội của tôi lý tưởng và nhờ ông thầy giúp tay để chống lại. Nếu nghe theo cái tôi của người bệnh thì thật là vô lý. Sự phân tích cho biết rằng siêu ngã chịu những ảnh hưởng mà cái tôi không biết đến. Người ta đã khám phá ra rằng những xung động bị dồn nén đã nuôi dưỡng cảm tưởng phạm tội. Siêu ngã tỏ ra rộng kiến thức hơn tôi vô thức.

Trong trường hợp bệnh ưu uất, người ta có cảm tưởng rõ rệt hơn rằng siêu ngã đã dụ dỗ được lương tâm (ý thức) về phía mình. Nhưng lần này thì cái tôi không phản đối gì cả, nó biết mình tội lỗi và chịu hình phạt. Chúng tôi biết rằng giữa bệnh suy nhược thần kinh và bệnh ưu uất có sự khác biệt về thái độ đối với cảm tưởng tội lỗi như thế. Trong bệnh thứ nhất chúng ta thấy có những khuynh hướng chướng tai nghịch nhĩ mà cái tôi không biết đến; trong bệnh ưu uất cái tôi tự đồng nhất hóa với đối tượng, siêu ngã trừng trị đối tượng ấy (thành thử nó trừng trị cái tôi).

Trong hai bệnh thần kinh đó cảm tưởng phạm tội có cường độ mạnh khác thường, hẳn là chúng ta không thể không có lời giải thích, nhưng vấn đề chính yếu lại ở chỗ khác, sau này sẽ bàn đến. Chúng tôi sẽ thảo luận khi đã nói hết những trường hợp cảm tưởng phạm tội lặn sâu dưới tiềm thức.

Những trường hợp điển hình nhất là bệnh loạn thần kinh (hystérie) và những trạng thái thuộc loại loạn thần kinh. Rất dễ khám phá ra động cơ đã làm cho cảm tưởng phạm tội ở lại tiềm thức. Cái tôi của người loạn thần kinh chống lại một tri giác cực nhọc cho nó là sự đe dọa của siêu ngã quan tòa; nó làm như vậy chẳng khác nào nó vẫn thường chống lại một đối tượng đáng ghét bằng cách dồn nén. Vậy thì cái tôi chính là nguyên nhân làm cho một cảm tưởng tội lỗi phải dừng lại trong tiềm thức. Chúng tôi biết rằng cái tôi phần nhiều thay mặt siêu ngã để thực hiện sự mà phục vụ siêu ngã; nhưng lần này thì nó dùng sự dồn nén để chống lại siêu ngã khắt khe. Chúng ta biết rằng trong bệnh suy nhược thần kinh ám ảnh sự phản ứng đóng một vai trò quan trọng; ở đây cái tôi chỉ có thể đẩy xa được những vật liệu liên quan đến cảm tưởng phạm tội.

Người ta có thể đi xa hơn và lập giả thuyết sau đây: trong tình trạng bình thường phần lớn cảm tưởng phạm tội phải ở lại tiềm thức, đó là cái gọi là thắc mắc lương tâm liên quan mật thiết với mặc cảm Oepide, và mặc cảm Oepide thì ở trong tiềm thức. Có người nói đến nghịch lý sau đây: con người bình thường không những vô luân hơn họ tưởng mà họ còn đạo đức hơn mà họ không ngờ; phân tâm học đã đưa ra những yếu tố làm nền tảng cho vế trên, còn vế dưới thì phân tâm học cũng không có gì phản đối[19].

[19] Thực ra câu nói chỉ nghịch lý ở bề ngoài; con người có thể đi rất xa trên đường thiện cũng như trên đường ác, họ có thể làm được nhiều hơn họ tưởng, nói khác đi, con người có thể biết nhiều hơn những gì mà cái tôi của họ biết bằng sự tri giác ý thức.

Chúng tôi phải ngạc nhiên rằng khi cảm tưởng phạm tội tiềm thức tăng cường độ đến một mức nào thì có thể làm cho con người phạm trọng tội được. Tình trạng đó có thực. Nhiều thanh niên trọng tội đã có cảm tưởng phạm tội từ trước chứ không phải lúc làm tội ác mới có cảm tưởng ấy: một cảm tưởng như thế là nguyên nhân sâu xa của trọng tội, kẻ ác sẽ bớt ám ảnh khi đem nối liền cảm tưởng ấy với một việc có thực và hiện tiền.

Trong những trường hợp ấy chúng ta thấy bộc lộ sự độc lập của siêu ngã đối với cái tôi và những dây liên lạc mật thiết của siêu ngã với tiềm thức. Chúng tôi đã nói đến những dấu vết tâm từ không ý thức được của cái tôi, chúng tôi có thể tự hỏi rằng siêu ngã có phải chính là những dấu vết tâm từ đó hay cái gì tương tự như thế không? Câu trả lời của chúng tôi dè dặt và khiêm tốn: chúng tôi xin nói rằng nếu không thể chối cãi được rằng siêu ngã có nguồn gốc từ thính giác mà ra, nếu siêu ngã là một phần của cái tôi, nếu những biểu thị tâm từ (khái niệm, trừu tượng hóa) dùng để làm cho siêu ngã có thể thấu đến ý thức được, thì hẳn là tinh lực ở trong nội dung siêu ngã phải bắt nguồn từ vô thức, chứ không phải phát ra từ những tri giác thính giác hay thị giác, hay sự kiện giáo dục.

Trên kia chúng tôi đã nêu lên câu hỏi sau đây: tại sao siêu ngã vừa xuất hiện như một cảm tưởng phạm tội (đúng hơn là một thẩm quyền phê phán, cảm tưởng phạm tội chỉ là hình thức mà cái tôi tri giác sự phê phán đó), lại vừa tỏ ra nghiêm khắc và nhẫn tâm với cái tôi như thế? Trước hết, trong bệnh ưu uất chúng tôi nhận thấy siêu ngã có uy quyền thật lớn, nó chiếm lấy ý thức, đàn áp cái tôi hầu như nó tận dụng cả bản năng hành hạ trong con người. Theo quan niệm bản năng hành hạ của chúng tôi thì có thể nói rằng yếu tố phá hoại được siêu ngã sử dụng để đàn áp cái tôi. Điểm nổi bật trong siêu ngã là sự trau dồi bản năng chết, nhiều khi cái tôi bị đẩy vào sự chết nếu nó không biết đường trú ẩn vào trạng thái điên cuồng.

Những lời trách phạt của lương tâm cũng không kém phần thậm tệ trong một vài hình thức bệnh suy nhược thần kinh ám ảnh, nhưng tình trạng không hiện rõ bằng. Trái với những gì xảy ra trong bệnh ưu uất, người bệnh suy nhược thần kinh ám ảnh không bao giờ bước tới chỗ tự vẫn, dầu sao thì họ cũng được bảo vệ khỏi sự nguy hiểm ấy hơn người loạn thần kinh. Chúng tôi hiểu rõ rằng cái tôi được an ninh là nhờ sự kiện nó duy trì và bảo tồn đối tượng. Trong bệnh suy nhược thần kinh ám ảnh, có sự thoái lui về tình trạng tổ chức tâm thần của thời kỳ tiền sinh dục, nhờ vậy những xung động tình yêu có thể biến thành xung động gây gổ đối với đối tượng. Bản năng phá hoại trở lại tự do, muốn tiêu hủy đối tượng hay ít ra hình như có ý ấy. Cái tôi không chấp nhận những khuynh hướng phá hoại ấy, nó cưỡng lại bằng cách thành lập đủ mọi phương tiện phản động và đề phòng, bởi vậy những khuynh hướng ấy phải lưu lại trong vô thức. Nhưng siêu ngã vẫn làm như chính cái tôi là thủ phạm những khuynh hướng ấy, siêu ngã nghiêm chỉnh mà thực hiện công trình phá hoại của nó, như vậy đủ tỏ ra đây không phải là một vẻ ngoài gây ra vì sự thoái lui, nhưng đúng là sự thay thế tình yêu bằng căm thù thực sự. Bị công kích cả hai mặt cái tôi trở nên bất lực, nó phải chống lại những xúi giục của thức hiểm độc và những lời trách phạt của lương tâm. Nó chỉ có thể ngăn cản được những hành vi thô thiển nhất của cả hai bên và nó chỉ làm được một việc là tự dằn vặt mình mãi, hay hành hạ đối tượng, nếu có thể được.

Những bản năng chết của con người có thể đi theo hai con đường: khi thì chúng vô hại nhờ có sự pha trộn với những yếu tố dục tính khác, khi thì chúng được lái ra ngoài dưới hình thức gây gổ, nhưng phần lớn chúng vẫn tự do theo đuổi công việc của chúng ở bên trong. Tại sao trong bệnh ưu uất siêu ngã lại có thể trở thành một chỗ chứa chất những bản năng chết?

Nếu người ta quan niệm rằng đạo đức hạn chế bản năng, thì người ta có thể nói: vô thức thì hoàn toàn phi luân lý, cái tôi ráng sức theo đạo đức, còn siêu ngã có thể trở nên đạo đức thái quá và cũng độc ác như vô thức. Con người ta càng ít gây gổ đối với người khác thì họ càng có nhiều gây gổ, nhiều nghiêm khắc của siêu thức. Cứ theo lý luận thường dùng thì sự thể phải ngược lại: nếu siêu ngã đòi hỏi con người phải mềm mỏng thì tất nhiên nó đã bỏ tính gây gổ. Nhưng sự thật thì đúng như chúng tôi đã nói: một người càng dẹp bỏ tính gây gổ thì siêu ngã của họ càng gây gổ đối với cái tôi của họ. Siêu ngã hướng vào cái tôi mà gây gổ. Luân lý cương thường có những điều cấm đoán, những sự hạn chế, do đó mà có quan niệm một nhân vật trên cao đã bắt tội ai thì chẳng còn chút gì là thương xót.

Khó lòng mà giải thích những sự kiện ấy nếu không lập một giả thuyết. Siêu ngã, như chúng tôi đã biết, thoát thai từ sự đồng nhất hóa với hình ảnh của người cha nguyên thủy. Sự đồng nhất hóa ấy đòi hỏi con người phải khử dục tính, phải thăng hoa. Sự biến cải như thế hầu như phải kèm theo sự phân tán bản năng. Sau khi bản năng thăng hoa thì những yếu tố tình dục không còn đủ sức mạnh để cầm chân tất cả những yếu tố phá hoại, chúng sẽ bộc lộ ra dưới hình thức gây gổ, phá hủy. Nói chung, thì nhờ sự phân tán đó mà siêu ngã hiện ra với những nét nghiệt khắc và độc ác.

Xin nói thêm vài lời về bệnh suy nhược thần kinh ám ảnh. Ở đây sự thể khác hẳn. Sự phân tán bản năng dắt đến tình trạng thả lỏng cho sự gây gổ hoành hành, sự phân tán ấy không xảy ra trong cái tôi, mà xảy ra trong vô thức. Những tiến trình khởi sự từ vô thức sẽ lan tràn sang siêu ngã làm cho nó thêm cay nghiệt với cái tôi vô tội. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp, cái tôi đều tìm cách làm chủ được libido nhờ sự đồng nhất hóa, libido đã tách rời khỏi sự gây gổ, siêu ngã sẽ đẩy sự gây gổ ấy vào việc công hãm cái tôi.

Những ý kiến của chúng tôi về cái tôi bắt đầu sáng sủa, những mối dây liên lạc của nó cũng bắt đầu hiện ra rõ rệt. Bây giờ chúng tôi đã làm quen với cái tôi, với ưu khuyết điểm của nó. Nó có những chức vụ quan trọng; nhờ có liên lạc với thế giới tri giác nó điều động sự diễn biến của những tiến trình tâm thần trong thời gian và đem lại kinh nghiệm thực tại. Sử dụng đến những tiến trình trí tuệ, nó trì hoãn những giải tỏa vận động và kiểm soát lối chuyển sang cơ năng vận động. Tuy nhiên, chức vụ sau này chỉ có hình thức chứ ít có thực sự, đối với hành động nó đóng vai trò một ông vua trong nước quân chủ lập hiến, quyết định của ông vua cần có để ban hành một đạo luật nhưng ông vua suy nghĩ và do dự rất lâu trước khi dùng quyền phủ quyết. Kinh nghiệm ngoại giới làm cho cái tôi thêm phong phú; nhưng vô thức đối với nó lại là một thứ ngoại giới khác mà nó tìm cách kiểm soát. Nó chiếm của vô thức càng nhiều libido càng hay, nó biến đổi những đối tượng dục tính mà vô thức đã ghi được thành những sản phẩm lai căng của nó. Với sự hỗ trợ của siêu ngã nó khai quật những kinh nghiệm tiền sử tích chứa trong vô thức bằng cách nào đó mà chúng ta không hiểu.

Nội dung của vô thức có thể thâm nhập vào cái tôi bằng hai lối khác nhau. Lối thứ nhất là lối trực tiếp, lối thứ hai đi qua tôi lý tưởng, cả hai lối cùng hoạch định một cách dứt khoát bản chất của một vài loại hoạt động tâm thần. Sự tiến triển của cái tôi tiến từ sự tri giác bản năng đến sự làm chủ bản năng, từ sự vâng lời bản năng đến sự chế ngự bản năng. Tôi lý tưởng tức là một tổ chức phản kháng chống lại những tiến trình bản năng sẽ góp phần quan trọng vào sự tiến triển ấy. Phân tâm học là một phương pháp giúp cho cái tôi chinh phục dễ dàng được vô thức.

Mặt khác, cái tôi đó xuất hiện như một cái bung xung phải nô lệ ba phương diện và vì thế bị đe dọa bởi ba sự nguy hiểm: ngoại giới, libido của vô thức và sự nghiêm khắc của siêu ngã. Ba thứ lo sợ tương ứng với ba sự nguy hiểm ấy, vì lo sợ là đặc điểm của sự tháo lui trước tình trạng nguy hiểm. Cái tôi đứng ở giữa vô thức và ngoại giới, bởi vậy nó tìm cách dung hòa hai bên, nó làm cho vô thức thích ứng với ngoại giới; nhờ có tác dụng của bắp thịt nó làm cho ngoại giới thích ứng với đòi hỏi của vô thức. Nói đúng ra nó có thái độ của ông thầy lúc tâm phân nghiệm: với kinh nghiệm ngoại giới của nó, nó phục vụ ước vọng dục tính củavô thức và tìm cách thu hút lấy tất cả libido của vô thức. Không những nó là phụ tá của vô thức, nó còn là tên nô lệ của vô thức tìm cách lấy lòng chủ. Nó cố gắng hết sức sống hòa thuận với vô thức, diễn tả những mệnh lệnh mông lung vô thức thành những ý thức hữu lý của nó, đem lại ảo tưởng rằng vô thứcvâng theo sự bó buộc của đời sống thực sự nhưng kỳ thực vô thức vẫn cứng đầu chẳng chịu uốn mình vào khuôn phép, nó cố gắng làm dịu bớt sự xung đột giữa hai bên, vô thức một bên, bên kia là thực tại và siêu ngã. Vì vị trí trung gian giữa vô thức và thực tại, nhiều khi nó buộc lòng phải tỏ ra nô lệ, tùy thời, giả dối, cũng như người làm chính trị tuy có lúc biết việc làm lắm, nhưng phải bỏ ý cứng ngắc của mình để lấy lòng quần chúng.

Đối với hai loại bản năng, cái tôi không có thái độ vô tư chút nào. Bằng cách đồng nhất hóa và thăng hoa nó tiếp tay cho bản năng chết đang chuyển động trong vô thức, nó chiến thắng libido và hứng lấy sự nguy hiểm, bản năng chết có thể quay ra chống lại nó và tiêu hủy nó. Bởi vậy cho nên nó bắt buộc phải đèo bồng cái libido để trở thành một đại diện của Eros, nó muốn sống và muốn được yêu.

Tuy nhiên công việc thăng hoa của nó có hậu quả là phân tán bản năng, nó đem lại tự do cho những bản năng gây gổ trong siêu ngã; tự sự vật lộn với libido nó dấn mình vào sự nguy hiểm là trở thành nạn nhân của sự gây gổ và có thể quỵ ngã. Cái tôi phải chịu đau đớn vì siêu ngã gây gổ với nó, sự đau đớn có thể đưa đến sự chết được, trường hợp ấy tương đương với trường hợp của loài vật độc bào, con độc bào chết vì chất độc của phân nó bài tiết ra. Đứng về phương diện tổ chức thì chất bài tiết của loài độc bào cũng ví như hậu quả của sự thăng hoa cái tôi thành siêu ngã, tai hại cho cái tôi.

Cái tôi phải lệ thuộc nhiều, trong số ấy sự lệ thuộc siêu ngã đáng kể hơn cả.

Cái tôi có thể coi là bình chứa lo sợ. Bị đe dọa bởi ba mối nguy hiểm, nó phải phát triển phản ứng tháo lui, trong sự chạy trốn nó cố gắng không để cho sự ràng buộc tình dục của nó bén mảng tới tri giác vì sợ nguy hiểm, nó cũng không cho bén mảng tới tiến trình tương tự sự tri giác xảy ra trong vô thức, nó làm cho hiện ra hình thức lo sợ. Phản ứng nguyên thủy đó sau này nhường chỗ cho động cơ tự vệ (động cơ của bệnh hiềm, phobie). Khó lòng mà nói rõ được cái tôi sợ gì nguy hiểm ở ngoài, hay nói rõ sự nguy hiểm gây ra bởi cái libido của vô thức; đúng hơn, nó sợ bị nô lệ hay bị phá hủy, sự phân tích không cho chúng tôi biết gì về phương diện ấy. Cái tôi chỉ nghe lời cảnh cáo của nguyên tắc khoái lạc. Nhưng chúng tôi có thể nói đích xác về cái gì ẩn nấp sau sự lo sợ mà cái tôi cảm thấy khi đối diện với siêu ngã, nghĩa là cái gì ở đằng sau sự lo sợ gây nên thắc mắc lương tâm. Nhân vật tối cao trước kia tượng trưng cho mối đe dọa thiến bộ phận sinh dục của con người nay trở thành lý tưởng của cái tôi, hẳn là mối lo sợ bị thiến đó tạo ra cái nhân, sau này những mối lo sợ liên hệ với thắc mắc lương tâm sẽ ghi vào xung quanh cái nhân ấy; chúng ta có thể đi xa hơn mà nói rằng thắc mắc lương tâm của người lo sợ là hình thức tiến bộ của sự lo sợ bị hoạn.

Nói một cách tuyệt đối rằng “mọi sự lo sợ thực ra chỉ là sợ chết” không có ý nghĩa gì nhiều, và dầu sao cũng khó mà chứng giải. Có lẽ nên phân biệt lo sợ chết với lo sợ dục tính của bệnh suy nhược thần kinh thì phải hơn. Lo sợ chết đặt ra cho phân tâm học một vấn đề khó khăn, bởi vì sự chết là một khái niệm trừu tượng, nội dung tiêu cực, chưa tìm được cái gì trong tiềm thức tương ứng với nó. Động cơ của sự sợ chết có lẽ chỉ là cái tôi giải tỏa một số lớn libido ngã ái, nói khác đi là nó tự hy sinh, nó từ bỏ đối tượng cũng như trong những cơn bộc phát lo sợ khác. Tôi thiết tưởng sự lo sợ chết xảy ra giữa cái tôi siêu ngã.

Chúng ta biết rằng lo sợ chết xảy ra trong hai trường hợp, cả hai trường hợp tuy khác nhau nhưng đều thuận lợi cho mọi thứ lo sợ: một là sự phản ứng lại một sự nguy hiểm ở bên ngoài, hai là tiến trình xảy ra ở bên trong như trường hợp bệnh ưu uất chẳng hạn. Lại một lần nữa, nhờ có bệnh suy nhược thần kinh mà chúng tôi hiểu những trường hợp lo sợ thực sự.

Lo sợ chết kèm theo bệnh ưu uất chỉ có thể cắt nghĩa bằng một cách: cái tôi tự hủy mình vì nó cảm thấy nó bị khinh rẻ và đàn áp chứ không còn được siêu ngã yêu dấu. Chính vì thế mà cái tôi cho rằng đời sống thì phải được siêu ngã yêu mến, ở đây siêu ngã còn đại diện cho vô thức nữa. Nhưng cái tôi cũng có thái độ lo sợ khi nó đứng trước một sự nguy hiểm nghiêm trọng thực sự mà nó cho là không thể chống đỡ bằng phương tiện của riêng nó. Nó cảm thấy những sức che chở đều bỏ rơi nó cho nên nó nhận lấy cái chết. Cũng có một tình trạng tương tự có thể coi là nguồn gốc của sự lo sợ đầu tiên xảy ra cho đứa trẻ khi phải xa cách mẹ nó, có thể coi là nguyên nhân sâu xa của sự buồn rầu lo sợ trong thời kỳ thơ ấu.

Những quan điểm trên đây làm cho sự lo sợ chết và sự lo sợ vì thắc mắc lương tâm xuất hiện như sản phẩm của mối lo sợ bị thiến. Vì cảm tưởng phạm tội đóng một vai trò quan trọng trong bệnh suy nhược thần kinh, chúng ta có thể nghĩ rằng trong những trường hợp nặng, sự lo sợ của bệnh suy nhược thần kinh thường sẽ được tăng cường bởi một sự lo sợ khác bắt nguồn từ một khu vực ở giữa cái tôi siêu ngã (lo sợ chết, lo sợ vì thắc mắc lương tâm, lo sợ bị hoạn).

Vô thức không có phương tiện nào để bày tỏ yêu hay ghét với cái tôi. Nó bất lực không nói ra được ý muốn, không biểu lộ được cái gì là ý chí khúc chiết rành rọt. Nó chỉ là cái vũ trường để bản năng sống và bản năng chết tranh giành nhau, chúng ta đã biết rằng trong cuộc tranh giành ấy hai bản năng đối thủ dùng những phương tiện nào để hạ nhau. Chúng ta có thể mô tả tình trạng ấy: vô thức bị kiềm tỏa bởi những bản năng chết; những bản năng chết câm lặng nhưng mạnh mẽ, chúng muốn được yên ổn, chúng cũng theo nguyên tắc khoái lạc dẹp sự rối loạn gây nên bởi Eros. Nhưng chúng tôi e rằng trình bày sự vật như thế sẽ đánh giá quá thấp vài trò của Eros.