Nghiên cứu phân tâm học - Phần I - Chương 04
4. Động cơ chống lại những kích thích ở ngoài – sự chống cự thất bại
Khuynh hướng nhắc lại
Xin coi những điều chúng tôi nói sau đây chỉ là suy lý thuần túy, chỉ là một cố gắng vượt lên trên những sự kiện có thực; độc giả có thể giữ quan niệm riêng của mình mà theo dõi với thiện cảm hay cho là không đáng để ý. Không nên cho rằng những quan điểm trình bày dưới đây là cái gì khác một việc thử khoáng triển một ý kiến để thỏa mãn tính hiếu kỳ và xem nó có thể đi được đến đâu.
Sự suy lý phân tâm học xuất hiện từ một nhận xét khi nghiên cứu những tiến trình tiềm thức, chúng tôi nhận thấy ý thức không đại diện cho một đặc điểm chung của những tiến trình tâm thần, ý thức chỉ có thể coi là một chức vụ đặc biệt của tâm thần. Trong ngôn ngữ siêu hình tâm lý học, chúng ta nói rằng ý thức chỉ là chức vụ của một hệ thống đặc biệt mà chúng tôi dùng chữ Y để ám chỉ. Ý thức làm cho ta tri giác được sự khích động của ngoại giới, ý thức cũng làm cho ta tri giác được những cảm giác dễ chịu và khó chịu chỉ có thể bắt nguồn từ bên trong bộ máy tâm thần; do đó chúng ta có thể gán cho hệ thống T.Y. (tri giác – ý thức) một vị trí trong không gian. Hệ thống T.Y. đứng ở biên giới phân chia nội tâm và ngoại giới, hệ thống ấy phải quay mặt ra nhìn thế giới bên ngoài và bao trùm tất cả các hệ thống tâm thần khác. Nhưng chúng ta nhận thấy ngay rằng tất cả những định nghĩa ấy không đem lại cho chúng ta sự hiểu biết nào mới; đưa ra những định nghĩa ấy chúng tôi căn cứ vào sự cấu tạo khối óc và những biệt khu của bộ óc; đó là giả thuyết đặt “trụ sở” của lương tâm ở vỏ ngoài của khối óc, tức lớp ngoài cùng. Đứng về phương diện giải phẫu, khoa giải phẫu khối óc không đặt câu hỏi rằng tại sao lương tâm (ý thức) lại đặt ở bề mặt khối óc mà không đặt ở một chỗ được che chở chu đáo hơn, ở những lớp sâu xa hơn của bộ óc. Có lẽ cách đặt vị trí cho hệ thống T.Y. của chúng tôi sẽ gây ra những hậu quả nào đó vì có lẽ sự cứu xét những hậu quả đó sẽ cung cấp cho chúng tôi những dữ kiện mới.
Ý thức không phải là đặc trưng duy nhất của tiến trình xảy ra trong hệ thống T.Y. Qua những kinh nghiệm phân tâm học của chúng tôi, chúng tôi đã có những ấn tượng đủ để chấp nhận rằng tất cả những tiến trình khích động xảy ra trong những hệ thống khác đã để lại những dấu vết lâu bền tạo thành nền tảng của trí nhớ, những dấu vết ấy tức là những cái mà ta gọi là kỷ niệm, là hồi tưởng, không có gì chung đụng với ý thức cả. Những hồi tưởng mạnh mẽ và dai dẳng nhất thường thường là sản phẩm của những tiến trình không hề bao giờ đạt tới ý thức. Tuy nhiên, thật khó lòng mà cho hệ thống T.Y. cũng để lại những vết tích lâu bền và dai dẳng khi nó bị kích thích. Nếu nó có để lại cái gì, thì chẳng bao lâu khả năng tiếp nhận những khích động mới của hệ thống sẽ bị giới hạn[6], bởi vì, theo định nghĩa, thì tất cả những khích động mà nó nhận được phải luôn luôn ý thức; trái lại, nếu chúng tôi cho rằng những khích động ấy lặn xuống tiềm thức, thì chúng tôi bị buộc phải mâu thuẫn với mình mà chấp nhận rằng có những tiến trình không ý thức được trong một hệ thống mà tác động, theo định nghĩa, phải luôn luôn kèm theo hiện tượng ý thức. Nếu chấp nhận rằng những khích động phải cần có một hệ thống riêng để trở thành khích động ý thức được, chúng tôi cũng không thay đổi gì được tình trạng hiện hữu và không có lợi gì cả.
[6] Theo những quan điểm của Breuer trình bày trong phần lý thuyết của cuốn Studien über Hysterie, 1895.
Từ giả thiết ấy chúng tôi rút ra một kết luận không nhất thiết là hữu lý hoàn toàn, nhưng cũng có phần hữu lý: vẫn một khích động duy nhất không thể vừa trở thành ý thức vừa để lại một dấu vết có tính cách điều động và tổ chức trong hệ thống ấy, nếu chỉ đứng ở trong giới hạn một tổ chức thì đó là hai sự kiện không thể dùung hòa được với nhau. Như vậy chúng ta có thể nói rằng, trong hệ thống Y, tiến trình khích động hiện ra một cách có ý thức, nhưng không để lại dấu vết lâu bền, tất cả những dấu vết của tiến trình ấy dùng làm nền tảng cho trí nhớ đều là kết quả của sự lan rộng khích động ra những hệ thống nội tâm lân cận. Chúng tôi đã theo chiều hướng ấy để quan niệm một sơ đồ trình bày trong phần suy lý của cuốn Giải mộng của chúng tôi (1900). Chúng ta biết rất ít về những nguồn gốc khác của sự xuất hiện ý thức, như vậy chúng ta sẽ đồng ý rằng quan điểm sau đây ít ra cũng có giá trị một sự khẳng định chuẩn xác và nhắm vào cái gì nhất định: ý thức phát sinh từ chỗ mà dấu vết bảo thức năng (mnémique) dừng lại.
Hệ thống Y. như vậy có cái đặc biệt sau đây: trái với cái gì xảy ra trong những hệ thống tâm thần khác, tiến trình khích động không tạo ra một sự thay đổi lâu bền nào của những yếu tố trong hệ thống, mà tiêu hủy đi để trở thành ý thức. Sự vi phạm luật tổng quát như thế chỉ có thể giải thích rằng: đó là tác động của một yếu tố chỉ có trong hệ thống ấy mà không có trong những hệ thống khác, yếu tố ấy có thể là vị trí của hệ thống Y. ở phía ngoài và nhờ thế tiếp xúc ngay với thế giới bên ngoài.
Nếu chúng ta giản dị hóa đến mức tối đa thể xác của sinh vật, chúng ta có thể cho nó là một chất dễ bị khích động, chưa phân hóa và có hình tròn. Bề mặt của cục tròn đó phải phân hóa vì nó hướng ra ngoài và dùng làm cơ quan để tiếp nhận khích động. Khoa phôi thai học (embryologie) trong phạm vi nó là một việc ôn lại những kiến thức về sự tiến hóa các hệ thống phát sinh (évolution phylogénique), đã chứng minh rằng trung tâm thần kinh hệ bắt nguồn tự ngoại phôi diệp (ectoderme), còn vỏ màu xám của khối óc bắt nguồn trực tiếp từ bề mặt nguyên thủy và vì thế nó có thể thừa hưởng những đặc tính chính yếu. Như vậy thì không có gì phản đối chúng ta lập thuyết rằng những khích động ở ngoài tấn công mãi bề mặt của viên tròn nguyên sinh chất đã làm thay đổi chất của nó một cách lâu bền, nhờ thế mà những tiến trình khích động diễn biến khác hẳn cách diễn biến ở những lớp sâu hơn. Như vậy là đã thành hình một lớp vỏ rất mềm dẻo vì luôn luôn chịu đựng những khích động, thậm chí nó thủ đắc những đặc tính làm cho nó chỉ nhận những khích động mới mà không thể biến đổi cách nào khác nữa. Đem áp dụng vào hệ thống Y. thì giả thuyết ấy có nghĩa là những yếu tố của chất xám đã biến đổi đến mức giới hạn có thể chịu đựng được, không thể biến đổi thêm được nữa. Nhưng bù lại, những yếu tố ấy có khả năng làm xuất hiện ý thức. Hẳn là sự xuất hiện của ý thức có liên hệ với bản chất những sự biến đổi; sự biến đổi ấy xảy ra trong thể chất xám của óc cũng như trong tiến trình kích thích nó. Vậy thì bản chất ấy thế nào? Có thể có nhiều câu trả lời, nhưng câu trả lời nào cũng không thể phối kiểm bằng thực nghiệm được. Người ta có thể giả thiết rằng khi đi từ yếu tố này sang yếu tố khác của chất xám, sự kích thích phải chiến thắng một sức kháng cự, nếu sức kháng cự kém thì sự kích thích để lại dấu vết; nói như vậy là chúng ta đi đến kết luận rằng trong hệ thống Y. không có sức kháng cự nào thuộc loại ấy, kích thích được tự do đi từ yếu tố này sáng yếu tố khác. Người ta có thể cho rằng cách nhìn của chúng tôi rất gần với cách nhìn của Breuer, ông phân biệt những yếu tố của các hệ thống tâm thần theo bản chất tinh lực của chúng. Ông phân biệt ra tinh lực ẩn giấu hay tinh lực áp chế, và tinh lực lưu chuyển tự do[7]; như vậy thì những yếu tố của hệ thống Y. sẽ chỉ chứa đựng tinh lực tự do, tinh lực đó sẽ tan đi không gặp sự chống cự nào, không có áp lực và căng lực. tuy nhiên chúng tôi thiết nghĩ, trong tình trạng kiến thức ngày nay, không nên khẳng định đích xác về vấn đề ấy. Mặc dù thế, những quan điểm trên đây cũng cho phép chúng ta lập một thứ liên lạc nào đó giữa sự xuất hiện ý thức và trụ sở của hệ thống Y. với những đặc điểm của các tiến trình khích động xảy ra ở đó.
[7] Studien über Hysterie, Breuer và Freud xuất bản lần thứ 4, 1922.
Viên tròn nguyên sinh tố và lớp bì phu tiếp thụ khích động còn cho phép chúng ta nhận thấy những điều khác. Chất sinh sống ấy để vào giữa thế giới bên ngoài đầy tinh lực cường độ cao nhất, nếu không có phương tiện chống lại khích động thì chẳng bao lâu nó sẽ quỵ ngã trước sự tấn công của những tinh lực ngoại giới. Phương tiện của nó là làm cách nào cho bề mặt ngoài cùng bỏ hẳn cơ cấu riêng của mọi vật sinh sống mà trở thành phi sinh cơ, trở thành một thứ bao hay màng làm dịu bớt khích động, chỉ để cho một phần cường độ của tinh lực ngoại giới thấu đến những lớp sâu hơn. Những lớp ở sâu hơn đã được che chở như thế có thể chuyên chủ vào việc tích lũy những số lượng kích thích đã thấu qua được lớp màng ngoài. Đã trút bỏ những đặc tính của một chất sinh sống, lớp màng ngoài cũng bảo vệ luôn cho những lớp ở trong giữa màng, tuy nhiên sự che chở chỉ hữu hiệu trong phạm vi cường độ khích động không quá một giới hạn nào, yếu quá giới hạn ấy thì cả cái màng ngoài cũng bị hủy hoại. Đối với cơ thể sinh sống thì công việc bảo vệ khỏi khích động là một công việc cũng quan trọng như sự tiếp nhận khích động; tự nó nó cùng có dự trữ tinh lực và phải giữ gìn làm sao cho trước hết sự biến đổi tinh lực ở trong mình nó theo những phương thức riêng không chịu ảnh hưởng san bằng nghĩa là ảnh hưởng phá hủy của những tinh lực mạnh bạo ở bên ngoài. Sự tiếp nhận khích động trước hết dùng để đưa tin cho cơ thể biết chiều hướng và bản chất của những tinh lực bên ngoài, nó chỉ có thể đạt được kết quả ấy bằng cách mượn của thế giới bên ngoài một số ít tinh lực, bằng cách tiêu thụ một chút tinh lực đó. Đối với những cơ thể đã tiến hóa đến cao độ, thì lớp bì phu dễ khích động của viên tròn nguyên sinh tố ngày xưa đã lui vào sâu từ lâu, nhưng vẫn còn một vài bộ phận phụ thuộc ở ngoài mặt ngay ở dưới bộ máy che chở khỏi khích động. Đó là những giác quan có bộ phận riêng để tiếp nhận những khích động thuộc loại riêng của mỗi giác quan, nhưng chúng cũng có những máy móc riêng để tăng cường sự chống đỡ những khích động mạnh cường độ quá. Điểm đặc biệt của các giác quan là chúng chỉ làm việc bằng cách tiếp thụ những số lượng khích động ngoại giới rất nhỏ. Người ta có thể so sánh giác quan với những cái ăng ten, sau khi đã tiếp xúc với thế giới bên ngoài lại rút về.
Tôi xin nói qua về một vấn đề đáng đem ra thảo luận sâu rộng. Đứng trước những dữ kiện tâm phân học thâu lượm được, chúng ta có thể nghi ngờ ý kiến của Kant: thời gian và không gian là những hình thức cần thiết của tư tưởng. Chúng ta biết rằng những tiến trình tâm thần xảy ra trong tiềm thức đều không có “thời gian tính”. Nói thế nghĩa là những tiến trình ấy không xảy ra theo thứ tự thời gian, thời gian không làm cho chúng chịu một sự biến đổi nào, không thể đem áp dụng phạm trù thời gian với chúng được. Đó là những tính tình tiêu cực, chúng ta chỉ có thể có ý niệm đúng về chúng nếu đem so sánh những tiến trình tâm thần vô thức với những tiến trình tâm thần hữu thức. Chúng ta hình dung ra thời gian là theo thể thức làm việc của hệ thống T.Y. Cách biểu thị ấy phù hợp với sự tự động tri giác của chúng ta. Vì hệ thống T.Y. tác động như thế cho nên cần phải có sự bảo vệ khỏi khích động. Tôi biết rằng cách trình bày như thế rất tối tăm, nhưng tôi chỉ có thể giới hạn trong phạm vi những cách ám chỉ xa xôi.
Chúng ta vừa nói rằng viên tròn nguyên sinh tố sống động có phương tiện để chống lại những khích động của thế giới bên ngoài. Trước chúng tôi đã trình bày rằng lớp ngoài cùng đã phân hóa để trở thành cơ quan có chức vụ tiếp nhận những khích động bên ngoài. Nhưng lớp ngoài nhạy cảm đó sau này phát triển thành hệ thống Y., và cũng tiếp nhận cả những khích động bên trong. Hệ thống chiếm một vị trí ở biên giới phân cách trong ngoài; điều kiện để tiếp nhận khích động bên trong hay bên ngoài khác nhau; hai sự kiện đó có ảnh hưởng quyết định đến tác động của hệ thống Y. cũng như đến toàn thể bộ máy tâm thần. Đối ngoại thì đã có phương tiện che chở để làm dịu bớt sức mạnh của những khích động ào đến. Nhưng đối nội không thể có phương tiện che chở được, thậm chí những khích động từ những lớp sâu lan tràn đến hệ thống Y. vẫn nguyên vẹn chưa được làm dịu bớt; một vài đặc điểm trong sự dồn dập tràn đến tạo ra những chuỗi cảm giác khoan khoái hay khó chịu. Tuy nhiên cũng nên nói rằng những khích động bên trong có cường độ và phẩm chất (có khi là độ rộng) phù hợp với cách tác động của hệ thống Y. hơn những khích động từ ngoại giới tràn đến. Tình trạng mô tả trên đây làm xuất hiện hai sự kiện: thứ nhất, cảm giác khoan khoái và khó chịu phát ra từ những tiến trình ở trong bộ máy tâm thần, hơn trội hẳn những khích động bên ngoài; thứ hai, thái độ của cơ thể phải hướng về chiều nào có thể chống lại khích động bên trong có cơ tăng gia tăng trạng thái khó chịu quá mức chịu đựng. Do đó mà phát sinh khuynh hướng coi những khích động bên trong như là có nguồn gốc ở ngoài để có thể áp dụng phương tiện che chở mà cơ thể vẫn dùng để ngăn cản khích động bên ngoài. Đó là cách giải thích hiện tượng phóng rọi (projection) đã đóng một vai trò quan trọng trong sự tất định những tiến trình thuộc về bệnh lý học.
Tôi có cảm tưởng rằng những quan điểm trên đây đưa chúng ta đến gần sự hiểu biết những điều kiện và những nguyên do làm cho nguyên tắc khoan khoái chiếm được ưu thế. Tuy nhiên những quan điểm ấy không cắt nghĩa được những trường hợp đối lập với nguyên tắc khoan khoái. Được gọi là ngoại thương, những khích động bên trong đủ sức mạnh để chọc thủng phòng tuyến bảo vệ. Tôi thiết nghĩ không thể nào định nghĩa chữ ngoại thương(traumatisme) cách nào khác cách căn cứ vào những liên lạc của nó với một phương tiện phòng vệ như thế ở trên, sự phòng vệ ấy xưa kia có hiệu lực để chống lại kích thích. Một biến cố như sự ngoại thương nguồn gốc ở ngoài bao giờ cũng gây ra sự xáo trộn trong sự tổ chức và điều động tinh lực của cơ thể và khơi động mọi phương tiện phòng vệ. Nhưng chính nguyên tắc khoan khoái là nhân vật đầu tiên bị loại khỏi vòng chiến, vì không thể ngăn cản những số lượng khích động lớn lao xâm nhập bộ máy tâm thần, cơ thể con người chỉ còn có một lối thoát là cố gắng làm chủ những khích động ấy, trước hết hẳn bất động hóa chúng rồi sau mới giải tỏa lần lần.
Có lẽ cảm giác khổ não đặc biệt kèm theo sự đau đớn thể xác là hậu quả của sự sụp đổ một phần phòng tuyến bảo vệ. Những khích động sẽ từ phía ngoài tràn vào bộ máy tâm thần trung ương luôn luôn, không khác nào những khích động nguồn gốc ở bên trong bộ máy[8]. Chúng ta có thể mong đợi sinh hoạt tâm thần phản ứng cách nào để chống lại sự xâm nhập ấy? Tâm thần sẽ kêu gọi tất cả những tinh lực trong cơ thể để tập trung một số tinh lực tương đương cường độ ở những nơi gần kề chỗ bị kẻ thù xâm nhập. Như vậy là đã thành lập một lực lượng chống địch, nhân đó mà các hệ thống tâm thần kém tinh lực đi, nghĩa là chức vụ của các cơ năng tâm thần khi bị đình chỉ hay suy kém. Tất cả những hình ảnh dùng trên đây đều dùng để bênh vực những giả thuyết siêu hình tâm lý học của chúng tôi, ít ra là để làm cho thêm sáng tỏ; chúng tôi rút ra kết luận rằng một hệ thống tinh lực mới tràn đến, biến đổi chúng thành những tinh lực bất động, đứng về phương diện tâm thần thì ta gọi là những tinh lực “liên kết”. Một hệ thống có thể “liên kết” (lier) một số tinh lực càng nhiều nếu trong lúc bình thường tinh lực riêng của nó càng cao; trái lại, tinh lực của một hệ thống càng thấp thì hệ thống càng kém khả năng tiếp nhận những đợt tinh lực mới, hậu quả của sự vỡ phòng tuyến bảo vệ càng tai hại. Người ta sẽ nghĩ sai nếu người ta cho rằng sự tăng gia tăng tinh lực ở nơi xảy ra cuộc xâm nhập có thể giải thích được dễ dàng hơn bằng sự lan tràn trực tiếp những tinh lực ở ngoài xâm nhập vào. Nói như vậy thì sẽ có hậu quả sau đây: hẳn là tinh lực của bộ máy tâm thần được tăng gia tăng thật, nhưng không thể cắt nghĩa được tính cách làm tê liệt của sự đau đớn, không thể cắt nghĩa được sự suy kém của tất cả những hệ thống khác. Cả đến sự rẽ dòng của hiện tượng đau đớn cũng không làm lay chuyển cách nhìn của chúng tôi, bởi vì đây là một động tác phản ứng thuần túy, nghĩa là xảy ra không can dự gì đến bộ máy tâm thần. Chúng tôi trình bày những quan điểm mà chúng tôi gọi là tâm lý siêu hình một cách lờ mờ không nhất định vì chúng tôi không biết gỉì về những tiến trình khích động xảy ra trong các yếu tố của những hệ thống tâm thần. Chúng tôi không thể có một ý kiến gì về lãnh vực ấy. Chúng tôi vẫn suy luận với một ẩn số X viết chữ lớn và chúng tôi cứ để nguyên thế đưa vào mỗi công thức mới. Cùng lắm chúng tôi có thể chấp nhận rằng tiến trình ấy có thể làm việc bằng cách sử dụng những tinh lực khác nhau tùy từng trường hợp; cho rằng nó có nhiều đặc tính (thí dụ nó có thể rộng hay hẹp) thì còn dễ chấp nhận hơn; về những quan điểm mới, chúng tôi có thể kể ra quan điểm của Breuer, ông chấp nhận rằng có hai hình thức tinh lực của các hệ thống (hay yếu tố trong hệ thống): hình thức tự do và hình thức liên kết (énergie hée). Về điểm này, chúng tôi muốn đưa ra giả thuyết rằng sự liên kết những tinh lực tràn vào bộ máy tâm thần rút cục chỉ là tinh lực ở trạng thái tự do lưu chuyển biến thành trạng thái nghỉ ngơi bất động.
[8] Xem “Triebe und Triebschicksale”, Sammlung kleiner Schriften zur Neurosenlehre, IV, 1918.
Theo ý tôi thì không nên lùi bước trước ý muốn cho rằng chứng suy nhược thần kinh ngoại thương thông thường là hậu quả của một trường hợp vỡ phòng tuyết bảo vệ quan trọng. Nói như vậy là trở lại thuyết bị đụng mạnh đã cổ xưa và có vẻ ngây thơ, thuyết ấy hầu như đối lập với thuyết mới đây và với những cao vọng tâm lý học nhấn mạnh vào sự không có va chạm mạnh vào sự kinh sợ và sự ý thức cái nguy hiểm đe dọa tính mạng. Nhưng chúng tôi không nói đến một sự đối lập tuyệt đối, quan niệm phân tâm học về bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương không có gì là lẫn lộn với thuyết va chạm mạnh, một thuyết thô thiển hơn nhiều. Thuyết va chạm quan niệm sự va chạm như một vết thương trực tiếp của cơ cấu phân tử (molécule), có thể là cơ cấu lịch sử của những đơn tố trong thần kinh hệ, còn chúng tôi cho rằng đó là sự phá vỡ phòng tuyến bảo vệ của cơ quan tâm thần, do đó mà gây ra những hậu quả khác. Chúng tôi không nghĩ đến việc giảm bớt tầm quan trọng của sự kinh sợ. Trên kia chúng tôi đã nói: điểm đặc biệt của sự kinh sợ là không có chuẩn bị để đợi cái nguy hiểm; trái lại trong sự lo sợ thì có chuẩn bị, trong sự chuẩn bị ấy những hệ thống trước tiên phải chịu khích động về tăng cường tinh lực của chúng. Vì không có một lượng tinh lực cần thiết hay vì lượng tinh lực ở dưới mức nhu cầu của tình trạng, những hệ thống ấy không có khả năng liên kết những số lượng tinh lực tràn đến, bởi vậy dễ gây ra hậu quả của sự vỡ phòng tuyến. Chúng ta nhận thấy sự lo sợ và sự bội tăng tinh lực của những hệ thống tiếp thu khích động, đều là những phòng tuyến cuối cùng chống lại khích động, chính sự lo sợ làm cho ta cảm thấy nguy hiểm. Trong nhiều trường hợp ngoại thương, phân tích đến cùng thì lối thoát tùy thuộc vào sự khác biệt giữa những hệ thống có chuẩn bị và những hệ thống không chuẩn bị tinh lực cao để chống lại nguy hiểm; nhưng nếu ngoại thương mạnh quá một cường độ nào đó thì yếu tố đó không có công hiệu nữa. Giấc mơ của người bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương rất thường đưa người bệnh trở lại tình trạng xảy ra ngoại thương, sự trạng đó xảy ra không phải là tại nguyên tắc khoan khoái đã gán cho giấc mơ chức vụ thực hiện ước vọng của họ một cách hư ảo. Thực ra chúng ta phải chấp nhận rằng giấc mơ theo đuổi một mục tiêu khác, mục tiêu ấy phải thực hiện trước khi nguyên tắc khoan khoái làm chủ tình thế. Giấc mơ có một cách làm xuất hiện một trạng thái lo giúp cho họ thoát khỏi vòng kiềm tỏa của những khích động mà họ đã trải qua, chính sự khuyết phạp trạng thái lo sợ ấy là nguyên nhân của bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương. Như vậy giấc mơ mở ra cho ta một viễn tượng về chức vụ của bộ máy tâm thần, chức vụ ấy tuy không đối lập với nguyên tắc khoan khoái nhưng cũng đứng độc lập đối với nó và hầu như có nguồn gốc xa xôi hơn cả khuynh hướng tìm khoan khoái tránh khó chịu.
Đây chính là lúc nên nêu ra một ngoại lệ thứ nhất của nguyên tắc giấc mơ thực hiện ước vọng của người nằm mơ. Đã nhiều lần chúng tôi trình bày rằng chúng ta không thể áp dụng nguyên tắc thực hiện ước vọng cho những giấc mơ lo sợ, những giấc mơ “trừng phạt”; giấc mơ lo sợ và giấc mơ trừng phạt không thực hiện những ước vọng cấm đoán mà lại xuất hiện hình phạt liên hệ đến ước vọng cấm đoán, nói khác đi thì đó là phản ứng của ý thức tội lỗi chống lại một xu hướng mà nguyên tắc kết án. Giấc mơ của người mắc bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương không thể quy về quan điểm thực hiện ước vọng; về tâm phân học chúng tôi cũng vấp phải những khó khăn ấy khi phân tích những giấc mơ trong đó có sự hồi tưởng những ngoại thương tâm thần của tuổi thơ. Những giấc mơ thuộc hai loại ấy vângtuân theo khuynh hướng nhắc lại; tuy nhiên, trong thời gian tâm phân nghiệm người bệnh thì giấc mơ ấy dựa vào ước vọng nhớ lại cái gì bị bỏ quên và bị dồn nén, ước vọng ấy được khuyến khích bởi sự gợi ý của ông thầy. Như vậy thì chức vụ nguyên thủy của giấc mơ cũng không hẳn là chống lại sự cố ý thực hiện những xu hướng phá rối giấc ngủ; nó mới nhậm chức ấy từ khi toàn thể đời sống tâm thần bị thống trị bởi nguyên tắc khoan khoái. Nếu quả có một “vượt qua nguyên tắc khoan khoái”, thì chúng ta cũng nhận thấy chúng ta có lý khi chấp nhận rằng khuynh hướng thực hiện ước vọng của giấc mơ chỉ là một sản phẩm muộn mằn, xuất hiện sau thời kỳ nguyên thủy vắng mặt hẳn khuynh hướng ấy. Nói như vậy không có gì là đối lập với chức vụ sau này của nó. Khi khuynh hướng ấy xuất hiện, chúng ta bị đặt trước một câu hỏi khác: những giấc mơ có mục đích liên kết những ấn tượng ngoại thương theo nguyên tắc nhắc lại có thể xảy ra ở ngoài trường hợp ông thầy dùng đến cách gợi ý cho con bệnh để tâm phân nghiệm chăng? Nói chung thì chúng ta có thể trả lời rằng có.
Đối với những bệnh suy nhược thần kinh chiến tranh mà danh từ này không những nói đến sự liên lạc giữa bệnh và nguyên nhân trực tiếp của bệnh mà còn nói đến những sự kiện khác, chúng tôi đã chứng minh ở nơi khác rằng đó có thể là những bệnh suy nhược thần kinh ngoại thương dễ bạo phát vì có sự xung đột trong cái Tôi.[9] Trên kia đã có nói đến sự kiện sau đây: khi nào ngoại thương đồng thời gây ra một thương tích lớn thì ít có hy vọng xuất hiện một chứng suy nhược thần kinh; sự kiện ấy bây giờ không còn gì là khó hiểu nữa nếu người ta kể đến hai trường hợp được những người nghiên cứu phân tâm học đặc biệt chú trọng đến. Trường hợp thứ nhất là thể xác bị đụng đập mạnh có thể coi là một trong những nguồn gốc của khích động dục tính[10]; trường hợp thứ hai là những bệnh đau đớn nóng sốt có ảnh hưởng mạnh đến sự phân phối libido, suốt trong thời gian bị bệnh. Bởi thế mà thân xác bị va chạm mạnh sẽ làm thoát một lượng kích thích dục tính, sự kích thích ấy có thể gây ra ngoại thương nếu không có sự lo sợ tương ứng với sự hình dung ra cái nguy hiểm và nếu thương tích thân xác gây ra lúc ấy không có hậu quả là cột chặt số khích động nhiều quá vào cơ quan bị tổn thương, theo một thứ áp lực ngã ái quá nặng[11]. Sau đây cũng là một sự kiện rất phổ thông mà thuyết libido chưa khai thác hết: thí dụ những xáo trộn trầm trọng trong việc phân phối libido xảy ra cho người bệnh điên ưu uất (mélancolie) sẽ biến mất trong một thời gian, nếu thân xác mắc bệnh khác trong khi điên; cả đến bệnh điên cuồng sớm (démence précoce) mắc đã lâu ngày cũng có thể thuyên giảm trong một thời gian theo điều kiện ấy.
[9] “Zur Psychoanalyse der Kriegneurosen – Einleitung”, Internationale psychoannalytische Bibliothek, No 1919.
[10] Coi “Die Wirkung des Schaukelns und Eisenbahnfahrens”, Một phần của cuốn Drei Abhandlungen zur Sexualtheorie, 1910. Bản dịch Pháp văn: Trois Essais sur la theories de la sexualité, NRF.
[11] Coi “Zur Einführung des Nazissmus” trong cuốnKleine Schriften zur Neurosenlehre, loại 4, 1918.