Cô gà mái xổng chuồng - Ước mơ của bạn là gì?


Tôi có một thói quen đã hình thành từ rất lâu rồi.

Cứ mỗi tối vào lúc 19h00, tôi đều cố gắng sắp xếp thời gian để ngồi trước màn hình TV, đón xem chương trình “Thời sự” của Đài Truyền hình Việt Nam. Đó là khoảng thời gian tôi cập nhật thông tin trên đủ mọi lĩnh vực diễn ra trong ngày từ trong nước cho đến quốc tế. Sau khi chương trình “Thời sự” kết thúc phát sóng thì tôi thường không dùng đến TV nữa.

Thế nhưng, dạo gần đây, thời lượng sử dụng TV của tôi đã tăng thêm 30 phút vào mỗi tối thứ sáu hàng tuần. Trong khung giờ từ 20h00 đến 20h30, trên một kênh truyền hình cáp địa phương sẽ phát sóng một chương trình rất hay có tên là “Ước mơ của em”. Đây là một chương trình truyền hình thực tế dành cho các em thiếu nhi.

Để tham gia chương trình, các em sẽ gửi thư đến ban biên tập, nói rõ những ước mơ và nguyện vọng của mình. Sau khi xem xét và chuẩn bị, chương trình sẽ cử một đội ngũ “hiệp sĩ” là những người nổi tiếng trong các lĩnh vực phim ảnh, ca nhạc, kịch nghệ đến giúp các em trải nghiệm cảm giác “biến ước mơ thành hiện thực” trong một ngày.

Trong chương trình đó, bên cạnh những ước mơ trở thành bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, diễn viên … còn có những ước mơ, những nguyện vọng rất đỗi giản dị nhưng lại chất chứa nhiều yêu thương và xúc động như ước mơ của một cô bé mong sao lớn lên sẽ đi làm có tiền nuôi người anh bị bệnh tự kỷ của mình hay nguyện vọng của một cậu bé nghèo có thể tự tay làm chiếc bánh kem tặng mẹ nhân ngày sinh nhật vì mẹ cậu chưa bao giờ được mừng sinh nhật.

Cũng giống như lời giới thiệu của chương trình “Có những ước mơ lớn cũng có những ước mơ nhỏ …” tôi tin rằng ước mơ của các em dù lớn hay nhỏ, dù phức tạp hay giản đơn, dù những ước mơ ấy có thể theo hoặc không theo các em khi lớn lên thì trước hết các em cũng đáng được khen ngợi và cổ vũ vì các em đã biết mơ ước.

Khi tôi hỏi những người lớn xung quanh tôi: “Anh/chị/em/bạn có ước mơ gì không?”

Phần lớn câu trả lời tôi nhận được chỉ là cái bật cười rồi lắc đầu hoặc là ậm ừ suy nghĩ một lúc rồi đưa ra câu trả lời rất đỗi quen thuộc: “Anh/chị/em/tôi cũng không biết nữa.”

Có một ước mơ lại khó đến thế sao?


Còn nhớ, tôi có một người bạn học thời cấp ba. Bạn ấy không phải là người học dở nhất lớp nhưng cũng xếp vào nhóm những người học dở nhất lớp. Bạn học dở không phải vì bạn quậy phá không chăm học mà vì bạn suy nghĩ, phản ứng và tiếp thu chậm hơn người bình thường một chút. Năm cuối cấp, khi chúng tôi sôi nổi hỏi thăm nhau đăng ký thi vào trường đại học nào thì bạn lại làm cho chúng tôi há hốc vì kinh ngạc khi bạn đăng ký dự thi vào trường đại học K - một trường đại học chuyên về kỹ thuật nổi tiếng của thành phố và trong cả nước vì bạn nói bạn muốn trở thành kỹ sư chế tạo máy bay. E … hèm … khi đó, chúng tôi đều cười và thống nhất kết luận bạn mơ ước thật viễn vông.

Thế nhưng, ước mơ của bạn tôi lại không thể hoang đường và viễn vông như ước mơ của một cô gà mái công nghiệp có tên là Mầm Lá trong tác phẩm Cô gà mái xổng chuồngcủa tác giả Hwang Sun-Mi.

Cô gà mái ấy mỗi ngày đều chui đầu qua song sắt chuồng gà để ngắm nhìn tán cây Mimosa ở cuối vườn và mơ ước được đẻ trứng, được ấp quả trứng mình đẻ ra, được sánh vai bên anh Gà Trống oai vệ và được dẫn đàn con nhỏ xinh của mình tung tăng sân vườn như cô Gà Mái nhà tự do ở ngoài kia.

Ước mơ của Mầm Lá có phải là một ước mơ hoang đường?

Với những cô gà mái công nghiệp như Mầm Lá, công việc mỗi ngày là chúi đầu vào máng ăn, cố gắng ăn thật nhiều rồi cố gắng đẻ những quả trứng thật to, càng nhiều càng tốt cho đến khi không còn đẻ được nữa, vất vưỡng kết thúc cuộc đời nơi hố chôn ngoài đồng hoang. Cuộc đời của một cô gà mái công nghiệp chỉ quanh quẩn trong ba từ đơn giản: ăn cám, đẻ trứng và chết.

Những quả trứng do Mầm Lá sinh ra chưa kịp tan hết hơi ấm đã lăn nhanh vào máng, được lượm vào rổ rồi đóng thùng mang ra chợ bán. Cô chưa một lần được sờ vào quả trứng mình sinh ra thì nói chi đến việc ôm ấp quả trứng ấy trong lòng gần một tháng trời để quả trứng ấy nở ra một chú gà con xinh xinh với bộ lông vàng mát dịu và đôi mắt đen sáng ngời cơ chứ?

Thế nhưng, Mầm Lá vẫn cứ ước mơ đấy vì cô không chấp nhận cuộc sống chỉ quẩn quanh bó hẹp trong khu chuồng chật chội.

Có lẽ, ước mơ có phần viễn vông và hoang đường ấy đã giúp cô “sống lại” sau khi bị ném vào hố chôn ngoài đồng hoang. ” Bước ngoặt lớn” này giúp Mầm Lá có được sự tự do mà cô mong muốn từ lâu, được kết bạn với kẻ lang thang Vịt Trời nhưng đồng thời cũng khiến cô nếm trải sự ghẻ lạnh và coi thường của những thành viên sân vườn mà cô vốn luôn mơ ước được như họ.

Khi đọc “Cô gà mái xổng chuồng”, tôi hoàn toàn bị lôi cuốn vào ước mơ có phần viễn vông ấy của cô gà mái Mầm Lá và nghị lực phi thường của cô trong hành trình biến ước mơ thành sự thật qua những trang viết đơn giản nhưng đầy súc tích của tác giả Hwang Sun-Mi.

Tôi hồi hộp dõi theo cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm nhưng vô cùng thú vị của Mầm Lá từ chuồng gà ra đồng hoang đến rừng thông rồi hồ nước và khu đầm lầy. Tôi xúc động trước tình bạn chân thành giữa Mầm Lá và kẻ lang thang Vịt Trời, những sinh vật “… tuy sinh ra có hình dáng khác nhau nên không hiểu hết ruột gan nhau nhưng mà có thể yêu thương nhau …”. Mầm Lá và Vịt Trời yêu thương nhau, quan tâm nhau và bảo vệ nhau trước hiểm nguy luôn rình rập là mụ Chồn – một thợ săn dũng mãnh có thể nhảy bổ vào cắn cổ một trong hai bất cứ lúc nào để lấp đầy cái bụng lép kẹp của mụ.

Rồi ước mơ lớn nhất của cuộc đời Mầm Lá cũng thành hiện thực khi cô được ấp trứng và nhìn thấy đứa con thân yêu của mình. Nhưng để có được điều ấy, Vịt Trời đã phải đêm đêm thức trắng, kêu la khản cổ để bảo vệ Mầm Lá và quả trứng khỏi sự săn đuổi của mụ Chồn. Cuối cùng, khi trứng đã đủ ngày, đủ giờ để nở, Vịt Trời cũng đã sức cùng lực kiệt và chấp nhận hi sinh mạng sống của mình để Mầm Lá và “đứa trẻ” vừa nở ra từ quả trứng có đủ thời gian đi đến hồ nước ở phía bên kia đồi.

Cái chết của Vịt Trời khiến tôi bàng hoàng và vô cùng xúc động. Chi tiết ngay khi Mầm Lá biết được Vịt Trời đã bị mụ Chồn bắt đi, cô quay lại bụi hồng dại thì phát hiện quả trứng đã nở ra một “chú bé con” nhỏ xinh là một trong những chi tiết tôi thích nhất trong truyện.

“Nếu có ai đó chết đi thì lại có ai đó được sinh ra. Trải nghiệm ly biệt và gặp gỡ cũng diễn ra đồng thời như vậy. Vì thế đến một lúc nào đó, nỗi buồn không thể kéo dài mãi.”


Có một điều khiến tôi rất thú vị khi đọc “Cô gà mái xổng chuồng” là “đứa trẻ” do Mầm Lá ấp ủ mấy chục ngày trời nở ra lại không phải là một chú gà con lông vàng mát dịu, mắt đen sáng ngời mà là một chú vịt con. Chú vịt con ấy lại có màu lông và hình dáng khác với đám gà con và đám vịt trắng trong sân vườn. Điều ấy làm Mầm Lá vô cùng xót xa. Cô xót xa không phải vì “đứa trẻ” ấy không giống cô và cũng không phải vì nó không như cô mong mỏi mà cô xót xa là vì với hình dáng đó, Đầu Xanh cũng bị ghẻ lạnh và coi thường khi cả hai trở về sân vườn tìm một chốn nương thân.

Hình ảnh chú vịt con trốn trong đôi cánh của mẹ gà khi bị các thành viên vườn nhà chế giễu, khinh thường, hình ảnh “mẹ gà con vịt” dắt díu nhau rời khỏi sân vườn, băng qua rừng thông đến khu đầm lầy để trú thân và trốn chạy sự truy đuổi của kẻ săn mồi, hình ảnh hai mẹ con gà-vịt cùng nhau trải qua mùa đông lạnh lẽo trong hốc đá là những hình ảnh rất đẹp, rất thiêng liêng về tình mẫu tử. Mầm Lá dành cho Đầu Xanh tất cả tình yêu thương vô bờ bến của một người mẹ dẫu rằng giữa họ không cùng dòng giống. Mầm Lá cũng có những trăn trở, lo lắng khi Đầu Xanh càng lớn càng ít nói và ít tâm sự với cô khiến cô không khỏi hoang mang Đầu Xanh đang nghĩ gì và muốn làm gì. Một tâm lý rất giống các bà mẹ có con đang lớn nhỉ?

Chính tình yêu thương vô bờ bến dành cho Đầu Xanh đã khiến Mầm Lá ngày càng mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến với mụ Chồn. Từ sự trốn chạy ban đầu, Mầm Lá đã dũng cảm đối mặt với mụ Chồn trong những cuộc đối đầu sinh tồn đầy khắc nghiệt của tự nhiên. Để rồi chính kẻ săn đuổi dũng mãnh ngày nào cũng mỏi mệt trong cuộc chiến ấy.

“Ám ảnh” có lẽ là từ ngữ chính xác nhất để hình dung tâm trạng của tôi khi đọc đoạn kết truyện và khi tôi gấp quyển sách lại. Một cái kết ám ảnh nhưng đầy tính nhân văn. Vạn vật trong tự nhiên đều không thoát khỏi những quy luật sinh tồn vốn đầy khắc nghiệt để tạo nên cái gọi là “vòng tròn cuộc sống” (The circle of life) như lời của Vua sư tử Mustafa dạy dỗ cậu con trai Simba của mình trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng của hãng Walt Disney “Vua sư tử”.

“ … Chúng ta ăn thịt linh dương để sống nhưng đến khi chúng ta già đi, chúng ta sẽ chết. Khi chết, thân xác của chúng ta hòa vào đất giúp cỏ cây phát triển và xanh tốt. Linh dương lại ăn cỏ cây để sống và phát triển. Đó chính là vòng tròn cuộc sống, con trai ạ.”

Có một điều mà tôi cũng như nhiều người khác hay thắc mắc sau khi đọc xong “Cô gà mái xổng chuồng” là nếu Mầm Lá biết rằng dù cho cô có cố gắng ấp ủ đến như thế nào thì những quả trứng mà cô sinh ra cũng sẽ không bao giờ nở thành những chú gà con thì liệu rằng cô có còn ước mơ và cố gắng thực hiện ước mơ ấy nữa hay không?

Bản thân tôi cho rằng ước mơ không phải là một điều bất biến mà hoàn toàn có thể thay đổi được. Ước mơ là điều gì đó mà bản thân mỗi người luôn mong muốn đạt được và do đó, họ sẽ luôn cố gắng sống, học tập và làm việc vì nó. Cuộc sống luôn biến đổi từng ngày từng giờ nên cũng không có gì là xấu hổ khi ta thay đổi ước mơ cho phù hợp hơn với khả năng của bản thân và hiện thực của cuộc sống. Miễn là bạn không quên mơ ước và không quên cố gắng thực hiện ước mơ của mình.

Tuy xếp vào thể loại văn học thiếu nhi nhưng “Cô gà mái xổng chuồng” vẫn là một tác phẩm dành cho người lớn bởi những câu hỏi mà nó đặt ra cho chúng ta.

Có bao giờ bạn tự hỏi ước mơ của mình là gì?

Đây là ước mơ lần thứ mấy của mình rồi không?

Và bạn đã có bao giờ cố gắng để thực hiện ước mơ của mình chưa?

Khi đọc "Cô gà mái xổng chuồng" dù muốn hay không muốn, nó cũng sẽ khiến bạn phải suy nghĩ đến những câu hỏi trên.

Dù sách dày chưa tới 200 trang bao gồm cả hình vẽ minh họa nhưng "Cô gà mái xổng chuồng" đã để lại cho tôi quá nhiều cảm xúc:

Tôi khâm phục trước ước mơ và hành trình thực hiện ước mơ của Mầm Lá;

Tôi xúc động trước tình yêu thương vô bờ bến mà Mầm Lá dành cho đứa con không cùng dòng giống với mình;

Tôi ám ảnh với cái chết đầy thương tâm của Vịt Trời để dành sự sống cho Mầm Lá và quả trứng.

“Cô gà mái xổng chuồng” là một câu chuyện về ước mơ và hành trình thực hiện ước mơ của một cô gà mái công nghiệp. Truyện là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của văn học thiếu nhi Hàn Quốc được Bộ giáo dục Hàn quốc khuyên đọc và Box “Chia sẻ Sách hay” của diễn đàn Gác Sách cũng khuyên các bạn dành thời gian để đọc.

---o0o---

Trở lại với ước mơ của người bạn thời cấp ba của tôi.

Năm đầu tiên, bạn thi rớt đại học K.

Năm thứ hai, bạn tiếp tục thi rớt đại học K.

Người ta hay nói “quá tam ba bận”, đến năm thứ ba, bạn tôi đã đậu vào trường đại học K.

Khi chúng tôi đã là những sinh viên năm thứ ba thì bạn mới chỉ là một tân sinh viên. Thế nhưng, trong số những sinh viên năm thứ ba như chúng tôi, có mấy ai thực sự học đúng ngành nghề mà mình mơ ước hay chỉ quáng quàng đậu trường nào thì học trường đó và hoàn toàn bỏ quên ước mơ thật sự của mình. Vì vậy mà tôi tin rằng, người bạn của tôi chắc chắn sẽ rất hạnh phúc vì bạn ấy có ước mơ và luôn phấn đấu để thực hiện ước mơ của mình.

Khi chúng tôi tốt nghiệp đại học, bạn ấy cũng xuất sắc dành được một suất học bổng dành cho sinh viên sang hợp tác học tập tại xứ sở Bạch Dương xa xôi và lạnh giá đúng chuyên ngành của mình. Tốt nghiệp đại học, bạn tiếp tục học lên cao học và hiện đang là nghiên cứu sinh tại một học viện hàng không ở Ukraina.

Có ai đó đã nói rằng, ai có ước mơ thì bất cứ lúc nào người đó cũng là nhân vật chính trong câu chuyện của cuộc đời mình. Cô gà mái Mầm Lá, người bạn học cấp ba của tôi đều là những nhân vật chính trong câu chuyện của họ.

Còn bạn, bạn có muốn trở thành nhân vật chính trong câu chuyện của mình không?

Vậy tại sao bạn không đọc “Cô gà mái xổng chuồng” của tác giả Hwang Sun-Mi và chia sẻ với chúng tôi: “Ước mơ của bạn là gì?”

 

Lam Diệp - mod Chia sẻ sách hay

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay