Không kịp nói yêu em - Phỉ Ngã Tư Tồn - Phải bao nhiêu tình yêu trong đời mới đủ những cái buông tay?

Phỉ Ngã Tư Tồn!

Ngay từ lần đầu đọc đến cái tên này, tôi đã thấy rất yêu thích nó. Có phải chăng vì trong đó có một chữ “Tư”, là những suy nghĩ, nhớ nhung; là điều gì đó mà bản thân tác giả còn cất giấu tận sâu trong lòng? Hoặc có thể là chúng ta? Bất chợt tôi lại nghĩ đến chính mình, đến mọi người ngoài kia, có phải hay không chúng ta cũng luôn luôn như vậy, sẽ thật lòng thích một thứ gì đó mà chẳng bận tâm đến bất cứ điều gì khác? Có lẽ sẽ không là “cả cuộc đời” nhưng ít nhất ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời của chúng ta, ví dụ như, “Tuổi xuân” chẳng hạn…

“Phỉ Ngã Tư Tồn” , là một câu thơ được trích từ trong ‘Thi kinh’, có nghĩa là “Tôi ở đây, còn anh ở bên kia chân trời”. Thì ra ý nghĩa của bốn chữ ấy là như vậy. Chẳng trách mà ngay từ đầu tôi đã có cảm tình với cái tên này đến như vậy. Dường như Phỉ Ngã Tư Tồn là một tác giả có hành tung khá kín đáo, những gì độc giả biết được về cô cũng không nhiều; ấy vậy mà những tác phẩm của cô thì người đọc lại tường tận đến chân tơ kẽ tóc. Có nhiều khi tôi vẫn nghĩ thế này, có khi nào chính cô cũng đã từng có một tuổi xuân nồng nhiệt bên một người con trai nào đó, đủ để chẳng thể dễ quên dễ buông một điều gì? Người ta vẫn thường hay bảo rằng “Cái tên phản ánh (tâm trạng) con người” đó thôi. 

Đặc biệt trong quá trình đọc ‘Không kịp nói yêu em’, tôi vẫn thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng tâm tư, cá tính của tác giả qua từng nhân vật. Mỗi nhân vật trong tác phẩm của cô đều là những “nhân vật chính” , tự họ vẽ nên bức tranh đời của chính họ. Giống như tác giả đã từng nói, cô không hề cưỡng ép nhân vật phải đi theo ý mình mà tự nhân vật chọn con đường đi cho họ. Tôi tin câu nói ấy của cô, chí ít là qua ba tác phẩm đã đọc tôi có thể khẳng định chắc chắn điều đó.

Đành rằng là như vậy, nhưng trong bất cứ một câu chuyện nào cũng phải có chính có phụ, có mở đầu có kết thúc. Nhiều người sẽ cho rằng cô thật “độc ác”, thật “tàn nhẫn” khi để cho hai nhân vật chính không có được một cái kết viên mãn, quả thật xứng danh “Mẹ kế ngôn tình”. Tôi không biết mọi người cảm thấy như thế nào, nhưng đối với riêng tôi, những cái kết ấy lại rất hợp lý. Hợp lý cho tất cả nhân vật, cho những gì họ đã làm và đáng nhận được.

Doãn Tĩnh Uyển. 

Dù kết cục của cô gái này có (được coi là) bi thảm hay không thì tôi luôn cảm thấy cô là một người rất hạnh phúc, rất may mắn. Vì sao ư? Vì trong cuộc đời này, những người đàn ông mà cô gặp đều được coi là “những người đàn ông tốt”.

Suốt thời niên thiếu của cô cho đến trước cuộc gặp gỡ với Mộ Dung Phong, cuộc sống của cô có thể gói gọn trong hai chữ “Êm đềm”. Cô có một gia đình hạnh phúc đủ đầy, có cha mẹ thương yêu, chiều chuộng, có một người bạn thanh mai trúc mã là Hứa Kiến Chương bảo vệ, yêu chiều; và nếu không có sự gặp gỡ chen ngang ấy, Kiến Chương sẽ vẫn tiếp tục ở bên cô, bảo vệ cô, cho đến hết một đời.

Chỉ khi cuộc gặp gỡ định mệnh của họ diễn ra trên chuyến tàu trở về nhà lần ấy, có lẽ là một bước ngoặt lớn trong cuộc sống vốn yên ả của cô. Cô gặp anh – Cậu Sáu Mộ Dung, vì cứu anh thoát khỏi nguy hiểm mà nhân duyên giữa cả hai bắt đầu. Chiếc đồng hồ mạ vàng có khắc hai chữ “Bái Lâm” mà anh để lại cho cô lúc tạm biệt tựa như một nhân chứng cho những tháng ngày sau đó của cô và anh. Dẫu cuối cùng Mộ Dung Phong có làm cô tổn thương đến như thế nào, thì có lẽ cũng là đáng giá? Tình yêu của anh dành cho cô, nụ cười hạnh phúc trên môi cô… Những hạnh phúc ấy phần nào che mờ đi những gì cô đã bỏ lại sau lưng, là cha mẹ, là người bạn thanh mai trúc mã, là lễ cưới mà cô là cô dâu… Mọi thứ cô đã đánh đổi để được ở bên anh, ở bên tình yêu của cô.

Nghiêm Thế Xương. Dù không có nhiều phân cảnh cho anh xuất hiện, bất kể nguyên do anh giúp cô là vì điều gì, nhưng người cận vệ họ Nghiêm ấy cũng đã chẳng màng đến quyền lợi, an nguy của bản thân mà giúp cô trốn thoát khỏi Mộ Dung Phong trong đêm đầy gió tuyết ấy...

Và rồi cả Trình Tín Chi, người đàn ông hoàn toàn xa lạ trước đó, người mà cô tiếp xúc chẳng nhiều nhưng lại sẵn sàng đưa tay giúp đỡ lúc cô khó khăn nhất. Trong suốt những năm tháng cô ở nơi xứ người, là anh đã tự nguyện bên cô, chăm sóc cô, cùng cô vượt qua những khó khăn. Anh thấu hiểu, yêu thương cô, chấp nhận quá khứ của cô, lại cùng cô kết duyên vợ chồng. Một người đàn ông tốt như vậy, chẳng màng điều kiện gì để giúp cô.Ở thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đời mình, Tĩnh Uyển gặp được anh, chẳng phải là sự may mắn nhất thì đó là gì? 

Cuộc đời vốn rất kỳ diệu! Bạn sẽ chẳng bao giờ biết được tại sao lại dành trọn cuộc đời cho một người. Cũng sẽ chẳng bao giờ hiểu được vì sao mình lại yêu người ấy đến thế… 

Có lẽ cô sẽ chẳng bao giờ ngờ được mình lại có thế gặp và yêu một người như Mộ Dung Phong. Nếu như không có cuộc gặp gỡ ấy, anh cũng không để lại chiếc đồng hồ đó cho cô thì có lẽ cuộc đời cô vẫn cứ trôi đi êm ả êm ả như vậy. Cô sẽ vẫn lấy Kiến Chương làm chồng, dùng tình cảm mười mấy năm thân thiết gắn bó bên nhau chuyển thành tình cảm vợ chồng, yên yên ả ả sống đến già, giống như cha mẹ của cô. Chỉ là ông trời không để cô được như nguyện, là bánh xe số phận đã đưa cô và anh đến gần nhau, lại một lần nữa vì cứu chồng sắp cưới mà cô giúp đỡ cho kế hoạch của anh, để cho anh có tình cảm với cô. Rồi khi hôn lễ của cô và Kiến Chương sắp diễn ra, anh bất chấp nguy hiểm từ nơi chiến trường khốc liệt đến gặp cô, để nói cho cô biết rằng anh thực sự yêu cô: “Anh điên rồi mới thích em đến thế”. 

Cuối cùng, trái tim đã chiến thắng lý trí. Cô đã trốn nhà ra đi, cùng với chiếc đồng hồ vàng khắc tên Bái Lâm, vượt qua đường sá xa xôi, bom đạn thời chiến, chịu bao hoảng sợ và khổ cực, chỉ để được gặp anh, chỉ muốn ở bên anh. Có lẽ, ở nơi chiến trường khắc nghiệt ấy chính là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của cô. Khi anh với gương mặt tràn ngập hạnh phúc đưa cho cô xem tờ giấy chứng nhận kết hôn của hai người; là khi cô muốn ăn bánh kem, dù tình hình chiến sự đang dầu sôi lửa bỏng, anh vẫn tự mình lái xe vượt qua trăm cây số đưa cô đi; là cô với dáng vẻ chăm chú khi là chiếc áo sơ mi cho anh. Hay là khi cô và anh cùng nhau lên núi Nguyệt Hoàn ngắm lá đỏ, vì đường khó đi, anh sợ cô mệt mà kêu cô để anh cõng cô. Anh bước từng bước lên bậc thang, bờ vai anh rộng phẳng, có thể để cô dựa dẫm như thế. Cô hỏi: “Trước đây anh từng cõng ai chưa?”. Anh nói: “Chưa, hôm nay là lần đầu đấy”. Cô ôm anh càng chặt hơn: “Vậy anh phải cõng em cả đời”. Cũng là khi cô thành tâm chắp tay cầu khấn trước mặt Phật tổ, “Mong Bồ Tá
t phù hộ, con và Bái Lâm không bao giờ rời xa”. Là khi anh đứng dưới bầu trời tuyết rơi trắng xóa, anh ôm cô vào lòng và khe khẽ hát cho cô nghe… Tất cả những điều đó, đối với một người phụ nữ, thứ tình yêu nồng nàn dành cho nhau, ấm áp động lòng người như vậy đã đủ để gọi là hạnh phúc hay chưa?

Người ta vẫn thường hay nói rằng tiểu thuyết ngôn tình là thế giới mơ mộng viễn vông của các cô gái. Bất kể một chàng trai, một cô gái tài năng xinh đẹp nào trong câu chuyện ấy, bất cứ một motif nào cũng là sự phi-hiện-thực. Thực ra, tôi không có ý khẳng định hay phủ nhận những nhận định đó, chỉ muốn thông qua bài viết này, có thể nói lên phần nào suy nghĩ, lập trường của bản thân mà thôi. 

Tình yêu bao giờ cũng đẹp, với những chuyện tình trong tiểu thuyết lại càng đẹp hơn; nhưng không phải câu chuyện nào cũng đều có một cái kết viên mãn hạnh phúc. Nhưng truyện thì cũng như đời mà thôi, chẳng thể mười phân vẹn mười được. Tỷ như trong ‘Không kịp nói yêu em’, cái kết có thể bị coi là bi thảm, không có hậu cho đôi nam nữ chính, nhưng với tôi thì kết thúc như thế không có gì để mà tiếc nuối cả. Chẳng phải vì tôi yêu thích thể loại SE bi thương đau lòng, mà bởi chỉ cần một kết thúc hoàn toàn hợp lý, không hề có sự khiên cưỡng, bắt ép trong diễn biến của hoàn cảnh và nhân vật, tôi sẵn sàng chấp nhận sự bi ai ấy cho mỗi nhân vật. Chúng ta cần phải hiểu được rằng, tất cả kết cục đều là xứng đáng với những gì họ đã từng làm. Tôi không rõ tác giả có tin theo một tôn giáo nào đó hay không, ví dụ như Phật giáo chẳng hạn, nhưng chắc chắn một điều rằng tôi luôn nhận thấy rõ trong những tác phẩm của cô cái gọi là “Nhân” và “Quả”.

Khi Tĩnh Uyển bỏ lại cha mẹ, bỏ lại hôn lễ với Kiến Chương để đến với Mộ Dung Phong, những tội lỗi ấy của cô... Cô phụ cha mẹ là bất Hiếu, cô phụ Kiến Chương là bất Nghĩa, cô đi ngược lại với đạo đức luân thường chính là bất Nhân. Thử hỏi, dù cho tình yêu của cô và Mộ Dung Phong có đẹp đến như thế nào, đâu đó trong lòng cô vẫn sẽ thấy ăn năn day dứt, để rồi rốt cuộc cô vẫn phải đón nhận lấy ‘Quả’ bởi chính ‘Nhân’cô đã gieo xuống. 

Khi Mộ Dung Phong chẳng thể buông bỏ giang sơn để rồi phụ bạc Tĩnh Uyển, sau rốt thứ anh nhận được là gì? Anh có được tất cả mọi thứ: quyền lực, sự ngưỡng vọng của mọi người, đứng trên đỉnh cao của vinh quang; nhưng rồi, tám năm sau anh gặp lại cô, mọi thứ dường như lại chẳng là gì cả. Cứ cho là sau cái chết của Tĩnh Uyển, anh vẫn là một Tư  lệnh quyền uy, vẫn là cha của những đứa con, là chồng của Cẩn Chi, cũng không cần biết Đô Đô có phải là con gái của anh hay không thì sâu trong lòng anh sẽ mãi tồn tại một vùng tối, sẽ chẳng thể nào anh tha thứ cho chính mình. 

Duy chỉ có Tín Chi, tôi không rõ một người như vậy có nên dành hai chữ “Đáng thương” hay không, nhưng có thể khẳng định một điều rõ ràng, “Anh thực sự là một người đàn ông tốt; là một người chồng, người cha tuyệt vời cho bất cứ người phụ nữ nào có được anh”. Chỉ tiếc người anh thương và lấy làm vợ lại là cô. Nếu như trong suốt tám năm dài đó Mộ Dung Phong có thể quên đi Tĩnh Uyển, quên đi tình yêu ngày nào, hoặc giả như sự chiếm hữu ấy không quá lớn đến như thế, biết đâu Tín Chi vẫn có được những tháng ngày hạnh phúc về sau bên vợ và con gái, bên gia đình nhỏ của anh? Nhưng vì cuộc đời không có hai chữ “Nếu như” nên biết phải làm sao đây? Anh vẫn phải chết, anh gián tiếp vì cô mà chết. Nhưng tôi tin, hành động Tĩnh Uyển nổ súng vào chính mình chính là cách cô thể hiện tình cảm của cô đối với Tín Chi, với đứa con gái nhỏ Đô Đô của cô. Sống đã không dễ dàng gì, đến lúc chết đi họ vẫn được chết cùng nhau, so ra thì Tín Chi vẫn “hạnh phúc” hơn Mộ Dung Phong nhiều lắm.

Cho nên điều tôi muốn nói ở đây là, không phải cứ là tiểu thuyết thì sẽ không có thực tế, mà thực tế hay không chính là ở cách nhìn nhận của mỗi người. Bởi suy cho cùng, tất cả những điều mà chúng ta đọc được trong vô vàn trang sách ấy đều là những gì đã đang xảy ra mỗi ngày quanh chúng ta. Đối với riêng tôi, cuốn sách này còn mang một ý nghĩa khác. Nó như một dấu ấn chẳng thể nào xóa mờ trong cuộc đời tôi. Xem ra được và mất một thân phận là một việc rất dễ dàng. Song, những biến cố và tổn thương trong tình cảm là một quá trình cần phải trả giá. Ngẫm lại, con người trong quá trình chuyển đổi từ thân phận này sang thân phận khác đã dùng hết cuộc đời mình. Tình cảm là bài học suốt đời của chúng ta.

“Tuổi xuân” nào cũng vậy, luôn có một người đàn ông để yêu sôi nổi mà mãnh liệt như vậy, cuối cùng lại chẳng thể thắng nổi cơn sóng cuộc đời. Đọc đến phần cuối của truyện, khi sự sống của cô dần dần tan biến trong vòng tay của anh, lòng tôi dường như cũng chùng xuống một nhịp. Không ai biết được mục đích cuối cùng của cô khi ấy là gì. Liệu Đô Đô có phải con gái của anh hay không? Liệu khi ấy tình yêu của cô dành cho anh có còn chút nào hay không? Chẳng ai có thể biết được. Khi cô nằm trong vòng tay của anh, cô nói “Bái Lâm, em về rồi…”. Câu nói ấy khiến tôi liên tưởng đến một câu mà cô đã từng nói với anh trước lúc từ biệt ở trên núi Nguyệt Hoàn. Cô đã nói với anh, rằng “Em đợi anh đến đón em”. Liệu có hay không là cô vừa trả lời cho câu nói ngày đó với anh?

Tuổi xuân của cô, tình yêu mãnh liệt mà nồng nàn của cô thuở nào, đứa con gái và gia đình nhỏ bé của cô, tất cả đã theo cô ra đi sau phát súng ấy. Và rồi sau câu nói của cô, sẽ có hay không sự ân hận dằn vặt của anh? Phải bao nhiêu tình yêu trong đời mới đủ những cái buông tay? 

Phút chốc tôi cảm giác như mình đã trải qua cả một đời người…Và rồi đột nhiên tôi nhớ những câu nói đã từng đọc ở đâu đó trên mạng mà mỗi khi một mình chạy xe trên đường tôi hay nghĩ đến,

“Bạn đã bao giờ thử yêu thương một người, vì người đó mà dốc hết tình yêu, khóc cạn nước mắt cũng chưa từng hối hận?

Có người hỏi: Người đàn ông như thế nào lại có thể khiến cho cậu khóc cạn nước mắt cũng cam lòng? Một người đàn ông làm cho người phụ nữ không thể quên...”

‘Nhân nùng như mực, vị đạm như trà’

Mến tặng bài viết này tới Quảng Văn – “Người bạn sách thân thiết nhất” của tôi!

Hà Nội, 11/2012

Vĩnh An.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay